Viện Chiến lược phát triển cần tiếp tục duy trì vị thế là cơ quan nghiên cứu chiến lược và quy hoạch hàng đầu của đất nước
05/03/2024 15:47
Năm 2024 đánh dấu 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển (09/3/1964-09/3/2024). Nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về chặng đường đã qua, định hướng phát triển của Viện Chiến lược phát triển trong thời gian tới.
CƠ QUAN NGHIÊN CỨU CÓ VỊ THẾ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU TRONG NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH
PV: Năm 2024 đánh dấu cột mốc 60 năm hình thành và phát triển của Viện Chiến lược phát triển. 60 năm phát triển của Viện gắn với nhiều nhiệm vụ lớn của ngành Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, của đất nước nói chung. Xin Bộ trưởng có thể cho một vài nhận xét, đánh giá về chặng đường đã qua của Viện Chiến lược phát triển?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được hình thành trên cơ sở tiền thân là 2 vụ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn và Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế. Hai Vụ này được thành lập theo Quyết định số 47-CP, ngày 09/3/1964 của Hội đồng Chính phủ, sau phát triển lên thành 2 viện là Viện Phân bố lực lượng sản xuất và Viện Nghiên cứu kế hoạch dài hạn. Đến năm 1988, được tổ chức lại thành Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất và năm 1994 đổi tên thành Viện Chiến lược phát triển.
Trong 60 năm hoạt động, với sự phấn đấu liên tục của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, viên chức, người lao động, Viện Chiến lược phát triển đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trở thành cơ quan nghiên cứu có vị thế quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu chiến lược, quy hoạch phát triển cho quốc gia.
Từ hai Vụ với biên chế ban đầu (năm 1964) là 24 người, đến nay, Viện Chiến lược phát triển đã trở thành một tổ chức sự nghiệp khoa học đầu ngành lớn mạnh với hơn 150 viên chức, người lao động (trong đó, có 1 phó giáo sư, 18 tiến sĩ, hơn 90 thạc sĩ và 40 cử nhân, kỹ sư), có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các thế hệ cán bộ của Viện Chiến lược phát triển đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị trong mỗi thời kỳ lịch sử được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Viện Chiến lược phát triển đã cùng các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành tốt công tác tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô cho Chính phủ, đóng góp chung vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các công trình nghiên cứu và tham mưu chính sách của Viện Chiến lược phát triển đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước, góp phần thiết thực vào quá trình huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tích đóng góp của Viện đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý cho tập thể và cá nhân.
Tôi chúc mừng Viện Chiến lược phát triển về những thành tích rất đáng tự hào 60 năm qua!
PV: Trải qua quá trình hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Viện Chiến lược phát triển đã là một thương hiệu uy tín, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhìn lại hành trình 60 năm qua của Viện Chiến lược phát triển, theo Bộ trưởng, đâu là những điểm nhấn trên hành trình đó?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Từ khi thành lập đến nay, Viện Chiến lược phát triển đã ngày càng khẳng định vị thế của mình, đóng vai trò vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học, vừa là cơ quan tham mưu chính sách phát triển trung và dài hạn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Viện Chiến lược phát triển trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từng giai đoạn tuy mang tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ bao trùm các chặng đường lịch sử phát triển của Viện là nghiên cứu chiến lược và quy hoạch của cả nước, các ngành và các vùng lãnh thổ, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hàng năm. Nếu giai đoạn 1964-1988, Viện chủ yếu tham mưu giúp Chính phủ trong việc nghiên cứu phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất và nghiên cứu chiến lược và kế hoạch dài hạn, thì từ năm 1988 đến nay, Viện chủ yếu tham mưu trong việc nghiên cứu xây dựng chiến lược và quy hoạch, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Trong thời gian qua, Viện luôn tham gia và là cơ quan đặt văn phòng hành chính giúp việc cho Tổ Biên tập và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; làm đầu mối giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức và phối hợp nghiên cứu chiến lược chung và trực tiếp tham gia nghiên cứu một số báo cáo chuyên đề nghiên cứu phục vụ xây dựng Chiến lược. Sau các kỳ Đại hội Đảng, Viện lại là cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội, bao gồm cả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, phục vụ cho Đại hội Đảng XIII, Viện đã xây dựng đề cương chi tiết ban đầu về tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và chủ trì nghiên cứu 8 chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cùng với việc triển khai các công việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, các cán bộ của Viện cũng đã trực tiếp tham gia Thường trực Tổ Biên tập, Văn phòng Tổ Biên tập; tổ chức tốt các hoạt động của Văn phòng Tổ Biên tập, phục vụ tốt các hoạt động của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập. Việc triển khai nghiên cứu đã được Viện tiến hành công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới và đã hoàn thành xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Viện Chiến lược phát triển đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, được ban hành tại Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20/5/2021 của Chính phủ.
Từ cuối năm 2023, để chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được giao chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phục vụ Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Một mảng công việc rất lớn nữa mà Viện đã thực hiện trong những năm qua là công tác quy hoạch. Đóng góp trong lĩnh vực quy hoạch của Viện thể hiện trên 2 nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng các văn bản pháp quy phục vụ quản lý nhà nước về quy hoạch. Cụ thể, để triển khai xây dựng các quy hoạch đến năm 2010 và từng bước đưa công tác quy hoạch đi vào nền nếp, Viện đã tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg về công tác quy hoạch. Triển khai Chỉ thị này, Viện đã hướng dẫn các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng mới quy hoạch phát triển đến năm 2010, xây dựng bộ tài liệu nghiệp vụ để hướng dẫn các ngành, các địa phương triển khai nghiên cứu quy hoạch.
Tiếp đó, Viện cũng đã giúp Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP. Đây có thể xem là 2 nghị định có tính pháp lý cao hơn, là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội ở cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và quy hoạch ngành, lĩnh vực. Kết quả triển khai thực hiện 2 nghị định này và các nội dung của chúng cũng là một trong những cơ sở quan trọng cho xây dựng Luật Quy hoạch sau này.
Nhằm tạo khuôn khổ có tính pháp lý cao cho công tác quy hoạch, Viện cũng đã tham gia nhóm Thường trực và Tổ Biên tập xây dựng Luật Quy hoạch. Sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục tham gia xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị định số 37/2019/NĐ-CP), đồng thời chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch (Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT). Năm 2023, Viện cũng đã hoàn thành nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT và ngày 31/12/2023, ngày cuối cùng của năm, tôi đã ký ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư số 08. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và cố gắng của Viện trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch.
Thứ hai, nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng các quy hoạch: Trong giai đoạn 1995-2000, Viện đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các viện nghiên cứu của các bộ, ngành Trung ương triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 cho 8 vùng kinh tế, 3 vùng trọng điểm, quy hoạch kinh tế biển, quy hoạch phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng của cả nước và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, đóng góp thiết thực cho việc chỉ đạo phát triển kinh tế theo lãnh thổ của Chính phủ và xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trong giai đoạn 2001-2014, Viện đã chủ trì rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng đến năm 2010 và xây dựng mới quy hoạch các vùng đến năm 2020. Trong các năm 2012-2013, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 6 vùng (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong các năm 2021-2023, Viện đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, hơn tất cả các đơn vị khác trong cả nước trong lĩnh vực quy hoạch, khẳng định vị trí là đơn vị đầu ngành về nghiên cứu công tác quy hoạch; lĩnh xướng, nhận trách nhiệm đối với các quy hoạch lớn nhất, khó nhất. Cụ thể, Viện đã hoàn thành lập “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Quốc hội thông qua. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Ngoài ra, Viện cũng đã phối hợp với một số địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đến nay, hầu hết các địa phương mà Viện tham gia phối hợp lập quy hoạch đã được phê duyệt/công bố quy hoạch.
Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong mọi thời kỳ. Nhờ đó, một số vấn đề lý luận và thực tiễn được làm rõ hơn, tạo cơ sở và có thêm căn cứ thuyết phục cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp thiết thực cho việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Để có thể cập nhật được sự thay đổi trong cách tiếp cận nghiên cứu về chiến lược, quy hoạch, chính sách, Viện Chiến lược phát triển đã mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu của các nước ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế khác. Hoạt động này cũng đã giúp nâng cao vai trò, uy tín của Viện trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị công bố việc triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
TIẾP TỤC GIỮ VỮNG VỊ THẾ VÀ XÂY DỰNG VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀY CÀNG LỚN MẠNH
PV: Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi hiện nay, Viện Chiến lược phát triển cần có các định hướng, giải pháp trước mắt và lâu dài thế nào để có thể giữ vững vị thế là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực nghiên cứu quy hoạch, chiến lược, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta cần nhớ rằng, “nếu chúng ta không đi thật nhanh trong một thế giới thay đổi liên tục, thì sẽ bị tụt hậu”. Điều đó có nghĩa là muốn tồn tại và phát triển, thì phải vượt qua những thách thức và biến thách thức thành cơ hội. Yêu cầu đó không chỉ đặt ra đối với nền kinh tế cả nước, mà còn đối với cả khối nghiên cứu nói chung.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Viện Chiến lược phát triển cần phát huy truyền thống quý báu 60 năm qua, trên cơ sở những thành công, nhìn nhận những mặt còn hạn chế, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Các cán bộ, viên chức, người lao động của Viện tiếp tục phát huy truyền thống đạt được, không ngừng tạo ra những giá trị mới, không những đóng góp quan trọng cho công tác của Bộ mà đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, dự báo sẽ xuất hiện những khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh mới, Viện Chiến lược phát triển cần lưu ý, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao. Trước hết, trong năm 2024, Viện phải tập trung hết tâm lực và trí lực để tham mưu cho Tổ Biên tập và Tiểu ban KT-XH hoàn thành xây dựng dự thảo Báo cáo phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng. Việc này cần được triển khai quyết liệt.
Thứ hai, Viện cần tập trung hoàn tất các nhiệm vụ, đề án lớn phải hoàn thành trong năm 2024, như: hoàn thiện Quy hoạch hai vùng, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, sau khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua; tiếp tục triển khai nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên”; tiếp tục phối hợp với một số địa phương hoàn thiện quy hoạch tỉnh.
Thứ ba là việc xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045. Kinh nghiệm của xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 cần được phát huy, đồng thời tìm cái mới, cái hay khi xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045.
Thứ tư, sau khi bộ máy được kiện toàn, đội ngũ nhân sự, trong đó có lực lượng nghiên cứu viên, Viện cần tăng cường nghiên cứu lý luận, phương pháp luận về chiến lược và quy hoạch. Tăng cường tổ chức sinh hoạt khoa học, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học Viện cũng như tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu của Viện.
PV: Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới toàn thể cán bộ, viên chức của Viện?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện là dịp để chúng ta tôn vinh những thế hệ đã ghi nên những dấu mốc phát triển của Viện trong thời gian qua.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Chiến lược phát triển cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với vị trí, vai trò cũng như truyền thống vẻ vang của Viện; đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đất nước; phục vụ tốt hơn nữa cho sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân. Mong Viện luôn duy trì vị thế là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, quy hoạch… của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như của cả nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Phương Anh (thực hiện)
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)