Thực hiện khát vọng "Việt Nam 2035”, cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới
21/07/2015 10:47
Sáng 20/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi tọa đàm về Báo cáo tóm tắt "Việt Nam 2035”, do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì tại trụ sở Bộ, số 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Dự và thảo luận tại buổi tọa đàm có bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; các chuyên gia kinh tế của WB, Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo "Việt Nam 2035”...
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề, đề xuất các mục tiêu, khát vọng của Việt Nam, tôn chỉ phát triển, những thách thức và các giải pháp để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt 15.000 USD (tính theo PPP và mức giá cả của năm 2005); tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm dưới 10% trong GDP và dưới 25% tổng việc làm...
Từ việc phân tích, so sánh kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, bản báo cáo của ông Sandeep Mahajan chỉ ra một loạt những "nút thắt” trong phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam như: Năng suất lao động kém; hệ thống đổi mới, sáng tạo và tiến trình đô thị hóa còn nhiều bất cập...
Theo báo cáo, hiệu suất lao động ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đều thấp và kém xa các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam như: ngân hàng, bất động sản, xây dựng, chiếm tới hơn 30% nguồn vốn, nhưng hoạt động rất kém hiệu quả. Ví dụ, hiệu suất lao động ở ngành ngân hàng là bằng "không”. Đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (trên 80% doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người) và khu vực này gặp khó khăn trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, quyền sử dụng đất...
Năng lực đổi mới sáng tạo thấp cũng là một điểm tắc nghẽn trong phát triển của Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực tư nhân. Trong kinh tế tư nhân ở Việt Nam, quy mô doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ gia đình chiếm phần lớn, cho nên khu vực này rất kém trong hợp tác nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo.
Về đô thị hóa, vấn đề lớn của Việt Nam là chỉ đô thị hóa đất đai. Chung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không có các đô thị vệ tinh chuyên môn hóa về các lĩnh vực. Điều này sẽ cản trở tiến trình đô thị hóa và phát triển ở Việt Nam (như vấn đề đã xảy ra ở Thái Lan).
Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp giúp Việt Nam tháo gỡ các "nút thắt” trong phát triển nêu trên. Theo đó, cần lập tức nâng cao năng suất lao động của khu vực tư nhân thông qua tăng cường thể chế thị trường, với các biện pháp cải cách về: quyền sở hữu tài sản; chính sách cạnh tranh; quản lý ngân sách, ngân hàng trung ương; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo hướng theo nhu cầu; thực hiện các ưu tiên chính sách về thể chế, phát triển hạ tầng để phát triển và khắc phục những hạn chế của đô thị hóa...
Chung quanh các vấn đề nêu trên, Tọa đàm cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của của các chuyên gia Việt Nam và WB. Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu, Tổ Biên tập cần tập trung sức lực, tâm huyến để xây dựng Báo cáo "Việt Nam 2035” thực sự là sản phẩm tinh hoa của trí tuệ, của khoa học, đóng góp thiết thực vào việc hoạch định đường hướng và thực hiện mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh trong những thập kỷ tới./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.