Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương tiếp TS. Armin Bauer, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện các nghiên cứu của ESCAP về tổng quan kinh doanh/doanh nghiệp bao trùm tại ASEAN

12/04/2019 17:51


Sáng ngày 10 tháng 4 năm 2019, tại Trụ sở Viện Chiến lược phát triển, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương đã tiếp và làm việc với TS. Armin Bauer - Chuyên gia kinh tế phát triển hiện là Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn cho Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP) thực hiện các nghiên cứu về doanh nghiệp/kinh doanh bao trùm (inclusive business, tập trung vào đối tượng nghèo và thu nhập thấp) tại ASEAN sang Việt Nam công tác nhằm tìm hiểu về thực trạng kinh doanh/doanh nghiêp bao trùm ở Việt Nam, các luật, cơ chế chính sách liên quan; và chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm quốc tế về các sáng kiến đổi mới sáng tạo (innovation) góp phần thúc đẩy kinh doanh bao trùm hướng tới người có thu nhập thấp ở Việt Nam.

Tham gia buổi làm việc, về phía Viện Chiến lược phát triển còn có ông Kim Quốc Chính - Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển các ngành sản xuất; ông Đặng Huyền Linh - Phó Trưởng ban, Ban Tổng hợp và đại diện Phòng Quản lý khoa học, đối ngoại và hoạt động tư vấn.

Tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương cho biết các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Nhiều trong số này không muốn phát triển thành các doanh nghiệp lớn do lo ngại gặp phải nhiều rủi ro khi mở rộng quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp/kinh doanh bao trùm đã có ở Việt Nam nhưng còn rất hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam dù được quan tâm phát triển nhiều năm nay nhưng hiện còn yếu nên chưa có khả năng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI. Giá tri gia tăng của nhiều doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu còn thấp do chủ yếu tham gia vào khâu lắp ráp, gia công. Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một số ngành nhưng hiện vẫn ở các nấc thang thấp.

Tiến sĩ Bauer chia sẻ với Viện về các sáng kiến, mô hình đổi mới đã được áp dụng rất thành công ở một số nước như Campuchia, Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Trung Quốc… có tác dụng thúc đẩy mạnh doanh nghiệp/kinh doanh bao trùm trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế, tín dụng thông qua việc tạo ra những thay đổi tích cực về cách thức vận hành doanh nghiệp, công nghệ, quy trình, phương thức quản lý nhân lực…, từ đó nâng cao đáng kể năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính phủ không cần trợ cấp đối với doanh nghiệp mà chỉ cần đóng vai trò chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư vào doanh nghiệp, từ đó mang lại niềm tin và cam kết mạnh mẽ hơn của nhà đầu tư, khiến họ bỏ vốn đầu tư cao gấp nhiều lần so với khi không có sự tham gia chia sẻ rủi ro của Chính phủ. Được Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương cho biết Việt Nam hiện đang nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thời kỳ 10 năm tới (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2021-2025), TS Bauer hy vọng đóng góp đầu vào cho công tác nghiên cứu này thông qua đề xuất một số định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp/kinh doanh bao trùm tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), TS. Bauer cho rằng hình thức này không hiệu quả vì không trung tâm nào có thể có đủ chuyên gia giỏi trong tất cả các lĩnh vực để tư vấn cho các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo. Thay vào đó, việc hình thành mạng lưới liên kết giữa ba chủ thể: các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp theo hình thức đặt hàng sẽ mang lại hiệu quả đổi mới sáng tạo cao hơn nhiều. Đức và nhiều nước khác rất thành công trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng đã thảo luận và chia sẻ thêm về một số vấn đề như: thúc đẩy phát triển SMEs, đổi mới sáng tạo và chuyển dịch cơ cấu, phát triển của nhóm nghèo ở giữa (missing middle development, nhóm người quá nghèo không đủ khả năng theo học đại học nhưng chưa nghèo tới mức đủ tiêu chuẩn được tài trợ của Chính phủ).

Kết thúc buổi làm việc, TS. Bauer chân thành cảm ơn Viện Chiến lược phát triển đã chia sẻ những thông tin hữu ích trong buổi làm việc đầu tiên trong chuyến công tác Việt Nam và hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục hợp tác với Viện trong tương lai./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.