Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015 (KSP 2015) tại Viện Chiến lược phát triển
31/03/2016 07:30
Sáng ngày 28 tháng 3 năm 2016, tại trụ sở Viện Chiến lược phát triển, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện trưởng Bùi Tất Thắng cùng Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương, Quản đốc Chương trình KSP 2015 phía Việt Nam đã có buổi Đối thoại chính sách cấp cao với đoàn đại biểu Hàn Quốc dự Hội thảo báo cáo cuối cùng Chương trình KSP 2015 do TS. Dae-hee Yoon, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách của Chính phủ, nước Cộng hòa Hàn Quốc, Cố vấn chính sách cao cấp của Chương trình KSP 2015 làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có GS. Sang Woo Nam, GS danh dự Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), Quản đốc Chương trình KSP 2015 phía Hàn quốc, TS. Kyoungdoug KWON, Chuyên viên của KDI, Giám đốc Chương trình KSP 2015 của Hàn Quốc với Việt Nam, các chuyên gia Hàn Quốc tham gia nghiên cứu trong Chương trình KSP 2015 và một số cán bộ của KDI.
Tại buổi làm việc, GS. Sang Woo Nam và các chuyên gia Hàn Quốc đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu, tập trung vào các đề xuất chính sách, của ba báo cáo nghiên cứu tronng khuôn khổ KSP 2015: (1) Hỗ trợ nghiên cứu để hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội nhằm nâng cao giá trị gia tăng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; (2) Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; (3) Cải thiện hệ thống đánh giá công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mang tính đổi mới ở Việt Nam (tiếp theo nghiên cứu đã thực hiện trong khuôn khổ KSP 2014); và 01 chương trình đào tạo nâng cao năng lực về quan hệ đối tác công tư (PPP) cho một số cán bộ của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu chủ đề "Hỗ trợ nghiên cứu để hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội nhằm nâng cao giá trị gia tăng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam” cho thấy hiện nay ngành điện tử Việt Nam chủ yếu phát triển mạnh ở công đoạn lắp ráp – công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Số lượng doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành điện tử tham gia sản xuất, lắp ráp linh kiện cho các tập đoàn điền tử lớn đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG còn rất ít, trình độ nhân lực chưa cao. Đây cũng là vấn đề chung của một số ngành quan trọng khác ở Việt Nam. Điều này đáng lo ngại đối với Việt Nam khi những tập đoàn lớn này không đầu tư vào Việt Nam nữa.
Báo cáo nghiên cứu chủ đề thứ ba chỉ ra các vấn đề vướng mắc của các DNNVV của Việt Nam, điển hình là khó khăn về tài chính. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, được lựa chọn thông qua Hệ thống đánh giá công nghệ (KTRS) đối với các doanh nghiệp mà Hàn Quốc đã xây dựng và áp dụng thành công nhằm giúp các doanh nghiệp đứng vững khi thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa. Hệ thống đánh giá công nghệ (KTRS) đối với các doanh nghiệp được Hàn Quốc xây dựng vào năm 2005 để xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi. Tiếp đó, đến năm 2008 mô hình "Khởi nghiệp KTRS” dành cho các công ty khởi nghiệp đã xây dựng. Hệ thống đánh giá công nghệ (VTRS) đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã được thí điểm trên quy mô nhỏ từ năm 2014 (dựa trên nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2014) và đang được hoàn thiện. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc hy vọng hệ thống này sẽ sớm được áp dụng chính thức ở Việt Nam.
Viện trưởng Bùi Tất Thắng khẳng định ba chủ đề nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2015 rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là chủ đề thứ hai nêu trên. Việc Hàn Quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này là rất cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ phải đương đầu với nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra mà điển hình là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết thúc buổi làm việc, Viện trưởng Bùi Tất Thắng đã ghi nhận và chân thành cảm ơn những nỗ lực nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam trong thời gian qua. Viện trưởng cũng hy vọng Hệ thống đánh giá công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam (VTRS) (chủ đề nghiên cứu thứ ba nêu trên) sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam để làm căn cứ cho việc cấp vốn cho các DNNVV mang tính đổi mới./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.