Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ: Nhiều câu hỏi khó

02/06/2011 17:14


Áp lực từ lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ đang nổi lên là trở ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp bên cạnh nỗi lo dài về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như nhiều câu hỏi về cải cách thủ tục hành chính chưa được trả lời.

Trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối tuần này, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh quý II/2011 với nhiều lo lắng của khu vực doanh nghiệp này về tình hình lạm phát của Việt Nam.

Mặc dù tới 51% số doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam nhìn thấy những cơ hội tích cực, song có đến 72% ý kiến cho là lạm phát sẽ tăng cao hơn hai con số trong quý II này; 52% lo ngại VND sẽ còn sụt giảm thêm khoảng 6-8%...

Đi kèm với đó là những câu hỏi không dễ trả lời về sự cân bằng trong chính sách của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát và tăng trưởng, nhất là khi, chính sách thắt chặt tín dụng đang tác động rất bất lợi tới các doanh nghiệp sản xuất.

Ông Fred Burke, Nhóm Công tác Sản xuất & Phân phối của VBF cho rằng, nếu nhìn từ quan điểm của các nhà sản xuất và phân phối, những người có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, thì các chính sách tập trung vào việc hạn chế “cầu” hơn là khuyến khích “cung” đang làm khó cho các doanh nghiệp.

Tình hình tương tự với doanh nghiệp Việt Nam, khi có tới 43,40% doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh do Công ty WVB-PVFC Invest thực hiện hồi tháng 4/2011 cho rằng, chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản suất kinh doanh; 44,74% doanh nghiệp khẳng định, đây không phải là lúc thích hợp mở rộng sản xuất…

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự cảm tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2011 cũng cho thấy sự giảm sút cả về lợi nhuận, doanh thu và số lao động của các doanh nghiệp…

Những động thái này khá bất lợi nếu so với con số 75% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà Ban Thư ký VBF công bố cách đây 6 tháng. Hơn thế, các vấn đề về thiếu lao động có tay nghề và sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, cũng như chất lượng thủ tục hành chính sau khi có kết quả của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính mà cộng đồng doanh nghiệp đã đặt ra trong 6 tháng trước dường như vẫn chưa có được những câu trả lời xác đáng.

Thậm chí, trong những trao đổi trước thềm VBF, nhiều nhà đầu tư đặt lại vấn đề về chính sách ưu đãi thuế khi Việt Nam thực hiện các cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ông Fred Burke phân tích, sự thay đổi về ưu đãi thuế nếu không được thay thế bằng những động lực phù hợp với WTO sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư, nhất là trong bối cảnh diễn biến thị trường  thế giới đang tiếp tục có những tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tiếp tục xếp Việt Nam ở hạng cuối cùng trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nước lân cận. Ông Tony Foster, đại diện Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của VBF nhấn mạnh rằng, đây chính là lý do lớn cản trở khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Tuy nhiên, cơ hội của các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng với hàng loạt câu hỏi được tiếp tục đặt ra. Đó là sự minh bạch về quy hoạch trong phát triển cảng biển, các thông tin về lộ trình cổ phần hoá các doanh nghiệp viễn thông nhà nước và đặc biệt là danh mục dự án thí điểm thực hiện cơ chế hợp tác công tư (PPP) đang được xây dựng.

“Cơ chế PPP thí điểm cần được xem xét trên cơ sở mở, nhằm tạo sự linh hoạt tối đa cho các dự án thí điểm. Trên cơ sở đó, các quy định cần được xây dựng chi tiết hơn đảm bảo một khung thể chế toàn diện về PPP, trong đó có sự cam kết thực sự và lâu dài của Chính phủ và khả năng huy động vốn từ ngân hàng cho các dự án này”, ông Tony Foster kiến nghị.

Thậm chí, cơ chế giá điện mới dù được nhận định là sẽ góp phần khuyến khích phát triển các dự án điện tư nhân, nhưng vẫn còn câu hỏi “sẽ triển khai các quyết định liên quan đến cơ chế này như thế nào”

Theo Báo đầu tư