Đánh giá đề tài “Nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam: Thực trạng phát triển và hàm ý chính sách”

13/11/2024 10:45


Chiều ngày 11/11, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá đề tài cấp bộ “Nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam: Thực trạng phát triển và hàm ý chính sách”, do TS. Phạm Thị Thu Trang làm Chủ nhiệm. 

z6021327998927_67a4a6b1e549522e7b43963cb98beb3e

Toàn cảnh buổi họp

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Thị Thu Trang khẳng định, dịch vụ là khu vực kinh tế quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào. Dịch vụ không chỉ là ngành tạo ra các sản phẩm (dịch vụ) cuối cùng, mà còn là đầu vào trung gian của các ngành khác (bao gồm cả sản xuất và dịch vụ). Sự phát triển của ngành dịch vụ phản ánh trình độ phát triển của từng quốc gia. Trình độ phát triển kinh tế tỷ lệ thuận với tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế.

Trong 4 nhóm ngành dịch vụ, các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu (gồm công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, và các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp, khoa học và công nghệ) có nhiều kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, thường thâm dụng lao động có kỹ năng cao và thường nằm trong số các ngành có năng suất cao nhất trong nền kinh tế. Qua đó, có thể giúp gia tăng năng suất của các nước thu nhập trung bình và thấp.

Với vai trò trên, việc phát triển các ngành thuộc nhóm ngành đổi mới sáng tạo toàn cầu đã được đề cập tới trong Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 531/QĐ-TTg, ngày 01/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Chiến lược này đưa ra định hướng “đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch...” và “tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh như: phân phối, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế...”. 

Vì vậy, trong đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động của nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu tại Việt Nam. Kết quả  cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, Việt Nam có tổng số 106.824 doanh nghiệp ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu đang hoạt động, chiếm 11,9% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, tăng 41.112 doanh nghiệp so với năm 2017. Số doanh nghiệp của ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu ở nước ta đang hoạt động và có kết quả kinh doanh tại thời điểm 31/12/2022 là 80.055 doanh nghiệp, chiếm 10,9% tổng số doanh nghiệp toàn quốc và chiếm 16,1% số doanh nghiệp ngành dịch vụ, tăng gần 3 lần so với số doanh nghiệp năm 2010.   

Năm 2022, nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu ở nước ta chiếm 16,1% số doanh nghiệp của khu vực dịch vụ, đóng góp 23,2% tổng số lao động; 54,2% vốn sản xuất kinh doanh; 30,7% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn; 14,6% doanh thu thuần. 

Như vậy, nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu chiếm tỷ trọng vốn sản xuất kinh doanh và giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn lớn nhất, nhưng chỉ thu được gần 15% doanh thu thuần của khu vực dịch vụ. Lao động trong nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu có thu nhập trung bình vượt xa thu nhập của lao động trong doanh nghiệp…

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách phát triển nhóm ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu, góp phần đạt được mục tiêu của Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với những đóng góp trên, Hội đồng đánh giá đề cấp bộ do ThS. Nguyễn Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch Hội đồng - đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài được 100% ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.

Viện Chiến lược phát triển