Đánh giá đề tài “Nghiên cứu cơ chế đặc thù để quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2024–2026”
20/11/2024 08:44
Tại Hội đồng đánh giá đề tài cấp bộ “Nghiên cứu cơ chế đặc thù để quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2024–2026” do TS. Nguyễn Thị Tuyết làm Chủ nhiệm, đề tài đã được 100% ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng.
TS. Nguyễn Thị Tuyết đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả đề tài
Việt Nam là một trong 193 quốc gia thành viên của tổ chức Liên hợp quốc - tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới với sứ mệnh vì hoà bình, chân giá trị và công bằng trên một hành tinh khoẻ mạnh. Là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ sát cánh cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Đồng thời, tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động.
Ngược lại, thời gian qua, Liên hợp quốc đã và đang hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, cũng như hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia khác, bao gồm: 1. Phát triển xã hội bao trùm; 2. Ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường; 3. Thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế; và 4. Quản trị công và tiếp cận công lý. Tại Việt Nam hiện nay, có 22 tổ chức (17 tổ chức thường trú và 5 tổ chức không thường trú) thuộc hệ thống Liên hợp quốc.
Có thể thấy rằng, Liên hợp quốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển để trở thành một quốc gia giàu mạnh, hạnh phúc và đáng sống. Chính vì vậy, việc hiểu rõ các cơ chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc cũng như thực trạng của vấn đề này tại Việt Nam, từ đó có thể đề xuất cơ chế đặc thù để quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2024-2026 là một nhiệm vụ rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng và có thể mang lại những giá trị kinh tế và xã hội quý giá.
Trong đề tài này, nhóm nghiên cứu đã làm rõ cơ sở lý luận về cơ chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc; phân tích kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Quan trọng hơn, đề tài còn đánh giá thực trạng cơ chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế đặc thù nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026.
Đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, tại Hội đồng đánh giá đề tài “Nghiên cứu cơ chế đặc thù để quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2024–2026” do ThS. Nguyễn Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch, 100% ý kiến thành viên Hội đồng đã đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ đề tài ở cấp bộ./.
Viện Chiến lược phát triển