Đánh giá đề tài “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số trong ngành chế biến, chế tạo”
23/08/2024 15:28
Chiều ngày 22/8, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá đề cấp bộ “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số trong ngành chế biến, chế tạo” do ThS. Đặng Huyền Linh thực hiện. TS. Nguyễn Quốc Trường – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch Hội đồng.
ThS. Đặng Huyền Linh trình bày tóm tắt đề tài
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã xem chuyển đổi số là yếu tố then chốt để cải thiện năng suất, nâng cao lợi nhuận. Đồng thời, nhiều dịch vụ tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp như Công ty FSI Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Fintech Draco... Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như thiếu tiềm lực đầu tư cho hạ tầng số, thiếu nhân lực triển khai các công nghệ số tại các doanh nghiệp, chưa hiểu biết đầy đủ về các chính sách hỗ trợ... Riêng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất dè dặt trong đầu tư vào công nghệ mới, các dịch vụ về dữ liệu cũng như phát triển kỹ năng số cho người lao động. Do vậy, đề tài này được thực hiện nhằm mục tiêu đề xuất các giải pháp chính sách góp phần thúc đẩy và hỗ trợ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo.
Cụ thể, thông qua việc tổng quan các phương pháp đo lường cấp độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đề tài nghiên cứu thực tiễn chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo ở các nước trên thế giới và các chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất một bộ chỉ số đo lường cấp độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, tập trung vào các trụ cột chính bao gồm: (i) Hạ tầng và công nghệ số; (ii) Xây dựng, quản lý và sử dụng dữ liệu; (iii) Chiến lược, kế hoạch và chính sách thực chuyển đổi số; (iv) Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; (v) Khả năng đầu tư cho chuyển đổi số; (vi) Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trước và sau chuyển đổi số.
Căn cứ vào kết quả xây dựng bộ chỉ số đo lường cấp độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm nghiên cứu xây dựng một phiếu điều tra và tiến hành phát phiếu điều tra chọn mẫu khoảng 100-150 doanh nghiệp ở Bình Dương (địa phương sản xuất công nghiệp hàng đầu của Việt Nam) và Hà Nội (địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số), đồng thời tiến hành nghiên cứu điển hình một số doanh nghiệp ở một số địa phương.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành có liên quan đến thúc đẩy/hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp chính sách thúc đẩy và hỗ trợ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo.
Hội đồng đánh giá cao việc nhóm nghiên cứu thực hiện cuộc điều tra khảo sátở hàng trăm doanh nghiệp; đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa nội dung các chương báo cáo tổng hợp của đề tài, nhất là các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Với những kết quả trên, đề tài được 100% (5/5) ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.
Viện Chiến lược phát triển