Đánh giá đề tài “Giải pháp tham gia sâu và hiệu quả vào một số chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu mà Việt Nam có lợi thế”

28/05/2024 14:23


Đề tài do ThS. Lê Thị Hồng Tươi, nghiên cứu viên Ban Chiến lược phát triển các ngành sản xuất làm Chủ nhiệm đã được Hội đồng đánh giá là tương đối cấp thiết và nội dung có tính mới.

Ở Việt Nam, vấn đề hội nhập tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu đã được quan tâm, nhưng chưa có công trình nghiên cứu sâu về lý luận, thực tiễn mang tính hệ thống làm rõ về chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19. 

Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 xác định: “Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Đồng thời, đề ra phương hướng nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên thực hiện “kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu” và tập trung cơ cấu lại công nghiệp theo hướng “tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực”.

Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Giải pháp tham gia sâu và hiệu quả vào một số chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu mà Việt Nam có lợi thế”, do ThS. Lê Thị Hồng Tươi làm Chủ nhiệm được thực hiện nhằm cung cấp những căn cứ về lý luận, thực tiễn và giải pháp cho việc đổi mới, hoàn thiện chủ trương chính sách, định hướng phát triển tham gia sâu và có hiệu quả cao vào một số chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu mà Việt Nam có lợi thế, thời kỳ đến năm 2030.

 z5480004238377_b932d2f5d6385117a4eda45dc8bf36d0

Cuộc họp Hội đồng đánh giá đề tài “Giải pháp tham gia sâu và hiệu quả vào một số chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu mà Việt Nam có lợi thế”. 

Lấy ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô làm trường hợp nghiên cứu điển hình, đề tài đã hệ thống hóa các lý thuyết, quan điểm, cách tiếp cận chủ yếu ở trong, ngoài nước và tổng hợp kinh nghiệm từ một số nước tiêu biểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp điện tử, ô tô. 

Nghiên cứu thực trạng chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp ngành điện tử, ô tô ở Việt Nam, đề tài nhận thấy, các doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn đối với sự tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp toàn cầu thông qua các chỉ tiêu đánh giá cụ thể về mức độ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp ô tô đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.

Mặc dù vậy, quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp điện tử, ô tô của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: mức độ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu toàn cầu chưa sâu và hiệu quả chưa cao; doanh nghiệp nội địa thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số và lép vế trước doanh nghiệp FDI; sản xuất trong nước phụ thuộc quá lớn vào nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa cao, chủ yếu liên kết ngược; tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm thấp; thị phần xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử, ô tô còn nhỏ…

Dựa trên kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất phương hướng, giải pháp chủ yếu để ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu thời kỳ đến năm 2030. Trong đó, tập trung giải pháp về hoàn thiện môi trường cơ chế, chính sách, phát triển doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và phát triển chuỗi liên kết sản xuất cung ứng trong nước.

Sáng 27/5, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức đánh giá đề tài trên, do TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch hội đồng. Đề tài đã được 100% (5/5) ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.

Viện Chiến lược phát triển