Đánh giá đề tài “Giải pháp tạo lập trung tâm mạnh về liên kết ngành phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử và sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam”

20/11/2024 09:45


Mới đây, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức Hội đồng đánh giá đề tài cấp bộ “Giải pháp tạo lập trung tâm mạnh về liên kết ngành phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử và sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam” do ThS. Trần Thị Huyền Trang làm Chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch Hội đồng.

z6052276084194_470714c54f6a95e2e0faa1aee151e98d

Hội đồng đánh giá đề tài cấp bộ “Giải pháp tạo lập trung tâm mạnh về liên kết ngành phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử và sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam”

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới và nguồn tài nguyên nhân lực trẻ có những tố chất lợi thế cho phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, được nhiều chuyên gia, đối tác quốc tế đánh giá nằm trong số ít những quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế về đi sâu phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử và sản xuất chip bán dẫn. Riêng về công nghiệp bán dẫn, trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 9/2023 đã ghi nhận “Tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn”, tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.  

Tuy vậy, lĩnh vực công nghiệp điện tử và sản xuất chip ở Việt Nam phát triển còn hạn chế, yếu kém. Đặc biệt là phát triển theo chiều sâu để gia tăng chuỗi giá trị, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giá trị quốc gia của sản phẩm còn chậm, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm điện tử trung bình mới đạt khoảng 25-30%.

Nguyên nhân chủ yếu do chưa hình thành được hệ sinh thái doanh nghiệp có tính liên kết, bền vững cao, nhất là chưa tạo lập được những trung tâm mạnh về liên kết các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ liên quan, liên kết đa ngành, liên kết các phân khúc sản xuất để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp điện tử và chíp bán dẫn có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, hiệu quả cao. Công nghiệp điện tử ở Việt Nam hiện chủ yếu mới sản xuất ở phân khúc hạ nguồn, sản xuất một số loại linh kiện điện tử bổ trợ cho lắp ráp sản phẩm, chưa sản xuất được các thành phần cốt lõi như bộ vi xử lý, chip xử lý, điều khiển cho chế tạo máy tính, thiết bị điện tử, viễn thông hiện đại. Công nghiệp sản xuất chip mới bắt đầu phát triển những năm gần đây, đa phần do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tập trung ở phân khúc đóng gói và kiểm thử chip. Doanh nghiệp trong nước tham gia vào sản xuất chip còn rất ít, chủ yếu tham gia ở các phân khúc đóng gói chip, thiết kế chip...   

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc nhanh chóng tạo lập, phát triển một số trung tâm mạnh về liên kết ngành phát triển công nghiệp điện tử và sản xuất chip bán dẫn để tạo động lực và lan tỏa phát triển có thể xem là bước đột phá thúc đẩy phát triển nhanh, vững chắc công nghiệp điện tử và sản xuất chip, nhất là theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh sản xuất, hội nhập.

Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã đánh giá bối cảnh và tình hình phát triển chung của lĩnh vực công nghiệp điện tử, sản xuất chip bán dẫn ở trong nước; đánh giá thực trạng hình thành các trung tâm liên kết ngành, doanh nghiệp phát triển công nghiệp điện tử, sản xuất chip bán dẫn và nhận diện những khu vực địa bàn trọng điểm để xây dựng tạo lập là những trung tâm mạnh về liên kết ngành, doanh nghiệp phát triển công nghiệp điện tử, sản xuất chip bán dẫn. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng, giải pháp để phát triển những khu vực địa bàn trọng điểm thành những trung tâm mạnh về liên kết ngành, doanh nghiệp làm động lực cho phát triển công nghiệp điện tử, sản xuất chip bán dẫn thời kỳ đến năm 2030.

Đây là đề tài có giá trị thực tiễn cao. Dựa trên kết quả được nhóm nghiên cứu trình bày, 100% thành viên Hội đồng đã đồng ý thông qua và nhất trí cho đề tài bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.

Viện Chiến lược phát triển