Đánh giá Đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế trong khung khổ Sáng kiến hợp tác Mê Công - Lan Thương trong bối cảnh mới”

27/05/2024 10:46


Đề tài không chỉ đóng góp những giá trị về mặt khoa học, mà còn có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, phục vụ xây dựng chính sách hợp tác tiểu vùng của Việt Nam.

Cơ chế Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) được chính thức thành lập tại cuộc họp lãnh đạo cấp cao ở Tam Á, Hải Nam (Trung Quốc) vào tháng 3/2016, với sự tham gia của lãnh đạo sáu nước thuộc lưu vực sông Mê Công gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan. Đây là cơ chế hợp tác tiểu vùng do Trung Quốc dẫn dắt, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác năng lực sản xuất, tăng cường kết nối, hợp tác nguồn nước...

Do đó, Đề tài cấp bộ “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế trong khung khổ Sáng kiến hợp tác Mê Công - Lan Thương trong bối cảnh mới” được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các nội dung hợp tác kinh tế trong khung khổ sáng kiến MLC đối với Việt Nam, từ đó đề xuất định hướng và giải pháp chính sách cũng như đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tham gia hợp tác hiệu quả trong bối cảnh mới.

z5471167305612_48416001ecf2a2163f4fe808cb0d30bb

ThS. Phạm Thị Trúc Hoa Quỳnh đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt đề tài

Ý nghĩa khoa học của Đề tài được thể hiện qua các khía cạnh:

- Cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên thuộc sáng kiến MLC giai đoạn 2016-2022, từ đó có củng cố thêm lý thuyết và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác kinh tế.

- Hỗ trợ các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách trong nước sớm lựa chọn được cho Việt Nam các đối sách hợp tác phù hợp trong bối cảnh có rất nhiều sáng kiến, cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng Mê Công được hình thành và triển khai như hiện nay.

- Là cơ sở để đề xuất các định hướng và giải pháp chính sách cũng như một số khuyến nghị nhằm mở rộng phạm vi và quy mô cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên MLC thời kì đến năm 2030.      

- Giúp Việt Nam lựa chọn hợp tác MLC gắn với một số cơ chế hợp tác đã có ở khu vực như Ủy hội sông Mê Công, Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (ACMECS), Hợp tác Mê Công - Nhật Bản, Sáng kiến hạ nguồn Mê Công... nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác.

Bên cạnh hiệu quả về mặt khoa học, các kết quả từ nghiên cứu này có thể đóng góp vào việc: (1) Thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030; (2) Hướng mối quan tâm và các ưu tiên chính sách của các quốc gia MLC vào các vấn đề trọng tâm để cùng giải quyết trên cơ sở đồng thuận và cùng có lợi; (3) Mở rộng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên MLC cũng như mối quan hệ đa phương giữa 6 quốc gia thuộc Sáng kiến MLC với nhau, qua đó mở ra các cơ hội phát triển kinh tế lâu dài và bền vững cho cả khu vực; (4) Tăng cường vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia MLC, từ đó mở rộng và gia tăng vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế; (5) Giúp Việt Nam đề xuất được các dự án hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia thành viên MLC, cũng như chính sách ưu tiên triển khai các sáng kiến giai đoạn đến năm 2030…

Sáng 24/5, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức đánh giá Đề tài cấp bộ “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế trong khung khổ Sáng kiến hợp tác Mê Công - Lan Thương trong bối cảnh mới”, do ThS. Phạm Thị Trúc Hoa Quỳnh làm Chủ nhiệm. PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội là Chủ tịch hội đồng. Đề tài đã được 100% (5/5) ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.

Chủ nhiệm đề tài