Mỹ-Trung cạnh tranh quyết liệt tại "Lục địa đen”
17/12/2014 14:37
"Lục địa đen”-châu Phi-đang trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt của hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi và tháng 5/2014 tuyên bố viện trợ các nước trong khu vực này 12 tỷ USD, đầu tháng 8 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần đầu tiên, Nhà Trắng đã cam kết từ nay tới năm 2018 sẽ cung cấp các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính mới trị giá 33 tỷ USD cho nhiều lĩnh vực của châu Phi. Cuộc "chạy đua” Mỹ - Trung tại châu Phi diễn ra trong bối cảnh châu lục này đang sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ và ngày càng trở thành khu vực kinh tế năng động.
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu những nỗ lực của nước chủ nhà Mỹ trong cuộc đua nhằm khẳng định vị thế tại "Lục địa Đen." Với sự kiện mang tính bước ngoặt này, nước Mỹ chính thức khẳng định mối quan tâm mạnh mẽ với một châu Phi đầy tiềm năng, thông qua việc tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội về kinh tế-thương mại, an ninh và phát triển kinh tế.
Mỹ-Trung điều chỉnh chính sách với châu Phi
Mỹ-trung cạnh tranh ở châu phi-Tổng thống Obama cam kết Mỹ muốn đóng góp vào sự phát triển của châu Phi.
Phát biểu tại diễn đàn hợp tác với châu Phi, Tổng thống Mỹ Obama cam kết chính phủ và các công ty của Mỹ sẽ nỗ lực nhiều hơn và hiệu quả hơn, nhằm chuyển quan hệ với châu Phi từ thuần túy là cấp và nhận viện trợ nhân đạo sang xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng. Tổng thống Mỹ cho rằng với khoản cam kết đầu tư lớn này, "người dân châu Phi sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn và ngược lại người dân Mỹ cũng sẽ gia tăng mua các sản phẩm hàng hóa của châu Phi.” Mỹ quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi "chứ không chỉ thuần túy nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này.” Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất này, Mỹ còn hướng tới một mục tiêu quan trọng nữa là sẽ "đánh thức" và giúp các doanh nghiệp Mỹ nhận thức được thực tế rằng, châu Phi có đà tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu khổng lồ.
Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại và củng cố quan hệ an ninh với châu Phi, dư luận cũng đánh giá việc Mỹ "tái cấu trúc" quan hệ với "Lục địa Đen" là một động thái cho thấy nỗ lực của Washington trong việc cạnh tranh với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm khôi phục vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực.Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay Trung Quốc từ 5 năm trước. Hiện Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-châu Phi đạt 60 tỷ USD, thua xa Trung Quốc với 200 tỷ USD và EU với 170 tỷ USD.
Giành lại châu Phi trong cuộc đua với các đối thủ cũng là điều mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không hề úp mở trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi.Nhà phân tích Christopher Wood tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi cho rằng: "Mỹ có lẽ đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi. Vì thế, hội nghị là con đường để Mỹ chạy đua với những đối thủ như Trung Quốc và EU.” Mối quan tâm lớn hơn của Mỹ đối với châu Phi còn thể hiện ở việc Nhà Trắng mới đây đã hối thúc Quốc hội nước này gia hạn Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9/2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với "Lục địa Đen."
Trước khi nước Mỹ giành sự quan tâm lớn hơn cho châu Phi, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã hợp tác kinh tế chặt chẽ với các nước châu lục này. Hai bên đã tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác song phương. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đầu tháng 5/2014, đã thăm một số nước ở châu lục này và tuyên bố Trung Quốc viện trợ bổ sung ít nhất 12 tỷ USD cho châu Phi, đồng thời đề nghị chia sẻ công nghệ tiên tiến với Lục địa Đen giúp cấc nước trong khu vực phát triển tuyến đường sắt cao tốc.
Tuyên bố trên được ông Lý Khắc Cường đưa ra tại trụ sở của Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng mức tín dụng cho châu Phi lên 10 tỷ USD và bổ sung Quỹ phát triển Trung Quốc - châu Phi thêm 2 tỷ USD, nâng tổng quỹ này lên 5 tỷ USD. Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Trung Quốc đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Phi, bà Nkosazana Dlamini-Zuma và chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác với các nước châu Phi trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và điện lực...
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ "hy vọng toàn bộ các thủ đô của châu Phi đều được kết nối bằng tuyến đường sắt cao tốc để thúc đẩy thông tin liên lạc và phát triển xuyên châu lục" và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Phi biến điều đó thành hiện thực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề nghị viện trợ 100 triệu USD cho châu Phi để bảo vệ động vật hoang dã.
Châu Phi đang trở thành cơ hội
Việc các nước lớn tăng cường mối quan tâm và hợp tác với châu Phi cho thấy, họ đang ngày càng nhìn nhận sự phát triển của "Lục địa đen” như là một cơ hội phát triển với chính mình. Trả lời báo chí về chuyến thăm châu Phi nói trên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đang bước vào "thời kỳ vàng." Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với châu Phi trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.Năm 2013, thương mại giữa hai bên đã tăng 2.000 lần so với năm 1960. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong vòng 5 năm qua. Hiện hơn 2.500 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi, tạo ra hơn 100.000 việc làm cho người dân địa phương.
Ông Lý Khắc Cường nêu rõ Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất và châu Phi là lục địa có số nước đang phát triển nhiều nhất. Cả Trung Quốc và châu Phi đều có nhiệm vụ phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước.Trước khi ông Lý Khắc Cường thăm châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm châu lục này vào tháng 3/2013, trong đó ông đã nhắc lại đề nghị cho châu Phi vay 20 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2015.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang nhìn nhận sự phát triển của châu Phi như là một cơ hội mới đối với kinh tế Mỹ. Trong thập kỷ qua, đối với Mỹ, châu Phi là một bức tranh tương phản với hai mảng sáng-tối rõ rệt. Mảng sáng là một châu Phi với tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu giàu có mới nổi và các nền dân chủ được củng cố, trong khi mảng tối lại chìm đắm trong đói nghèo, dịch bệnh, xung đột, nội chiến và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Phi hồi năm ngoái, Tổng thống Obama đã nhận định rằng: "Tôi thấy ở châu Phi câu chuyện thành công vượt bậc về kinh tế tiếp theo của thế giới và Mỹ muốn đóng góp vào sự thành công đó.” "Lục địa Đen" đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư Mỹ khi đây là ngôi nhà chung của 6 trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và ngày càng trở nên quan trọng đối với Washington.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, châu Phi đã dần "thay da đổi thịt" và có những bước chuyển mình đáng khích lệ khi được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Theo IMF, kinh tế châu Phi dự báo tăng trưởng 5,4% trong năm 2014 và 5,8% năm 2015, bỏ xa nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Chính triển vọng tăng trưởng cùng nguồn tài nguyên phong phú và dồi dào đang khiến châu Phi ngày càng trở nên hấp dẫn với thế giới.
Từ năm 2000, châu Phi thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó, có nhiều nhà đầu tư đến từ các nước nền kinh tế mới nối như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi… Ước tính, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi có thể lên tới con số kỷ lục là 80 tỷ USD trong năm nay. Chính những điều này là nguyên nhân khiến hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc, EU và nhiều nước khác coi trọng mở rộng quan hệ làm ăn với châu lục này.
Đối với Mỹ, khi đẩy mạnh quan hệ hợp tác với "Lục địa đen”, nước này sẽ tạo điều kiện cho châu Phi tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ hiện đại thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được hưởng những lợi ích không nhỏ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại với châu Phi, như tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Mỹ cũng như cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm hàng hóa của Mỹ.
Thực tế đang cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nhìn nhận rõ tiềm năng và cơ hội phát triển từ châu Phi. Theo đó, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này tại "Lục địa đen” được dự báo sẽ ngày càng quyết liệt trong thời gian tới. Điều này sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế lớn cho châu Phi, song cũng đặt các nước trong khu vực trước những thách thức không nhỏ trong các vấn đề đối ngoại, an ninh. Riêng đối với Mỹ, nhiều chuyên gia nhân định rằng, sau một thời gian sao lãng, khoảng cách giữa Mỹ với các đối thủ trong cuộc đua tại "Lục địa Đen” đã khá xa. Theo số liệu của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại (FPA) của Mỹ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoáng sản thô từ châu Phi sang Trung Quốc trong thời kỳ 1998-2006 đã tăng 2.126% (trong khi sang Mỹ tăng 402% và châu Âu tăng 139%). Điều này cho thấy Trung Quốc đang cạnh tranh rất mạnh trong việc thu hút nguồn tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi.
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, Trung Quốc đã khẳng định thế đứng vững chắc ở châu Phi. Bởi vậy, tại châu lục này hiện nay, hầu như nhìn đâu cũng thấy những công trình và ảnh hưởng của Trung Quốc. Châu lục lớn thứ 2 thế giới này có 54 nước thì có tới 50 nước đã có bóng dáng các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong một thập niên từ 2000 tới 2011, Trung Quốc đã tham gia khoảng 1.700 dự án ở châu Phi với tổng nguồn vốn hơn 84 tỷ USD. Trong khi cùng thời gian đó, Mỹ đầu tư vào châu Phi khoảng 90 tỷ USD. Trong số các dự án của Trung Quốc ở châu Phi, chiếm nhiều nhất là về chính quyền, xã hội (215 dự án), kế đó là y tế (192), giáo dục (161), giao thông (115), nông nghiệp (106), năng lượng (83), khai mỏ (44),…
Nguyễn Quốc Trường
Trưởng ban Ban Các vấn đề quốc tế, Viện Chiến lược phát triển.