Biển đông và kinh tế biển ở Việt Nam

10/12/2014 09:38


Thế kỷ 21, được xem là thế kỷ của "Biển và Đại dương”, "biển và kinh tế biển”, "biển và sức mạnh quốc phòng”. Chính vì thế, Biển có một vị trí đặc biệt quan trọng về "địa kinh tế” và "địa chính trị” đối với các quốc gia có biển, thậm chí cả những quốc gia không có biển trên thế giới. Trong bốn biển hiện nay, biển Thái Bình Dương có vai trò và vị thế rất lớn đối với sự phát triển kinh tế biển của thế giới và khu vực, trong đó Biển Đông được xem là tuyến đường hàng hải "trọng yếu”, là "khu căn cứ” quân sự của các quốc gia, là "chỗ dựa” sinh kế trực tiếp của hơn 300 triệu ngư dân thuộc 10 Quốc gia trong khu vực và 01 vùng lãnh thổ. Nếu quốc gia nào sở hữu được càng nhiều "Biển” thì quốc gia đó sẽ càng mạnh về kinh tế và vững về quốc phòng; điều này đã được lịch sử chứng minh là hầu hết các cường quốc trên thế giới đều xuất phát từ các hoạt động liên quan đến biển. Nằm trong vùng Biển Đông, Việt Nam có hơn 3000 hòn đảo chạy dọc từ Bắc vào Nam, hai hệ thống quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi; địa thế Tổ quốc hình chữ "S” với bờ biển dài đang đặt ra nhiều vấn đề về phát triển quốc phòng và kinh tế biển đảo nước nhà.

BIỂN ĐÔNG –NHỮNG TIỀM LỰC KINH TẾ NỔI BẬT

Về Vận tải và thương mại trên biển:

Biển và Đại Dương đã tạo ra không gian rộng lớn, thuận lợi để thiết lập tuyến đường "cao tốc hàng hải” với mức đầu tư thấp nhưng có hiệu quả cao so với vận tải bằng đường bộ, đường không hay đường sắt giữa các châu lục với nhau. Điều này được chứng minh hàng năm ước tính khoảng 80% hoạt động thương mại của thế giới thực hiện thông qua chuyên chở bằng đường biển. Chính vì thế, Biển Đông là con đường mang tính chiến lược, là huyết mạch giao thông hàng hải và hàng không, là "cầu nối” thương mại cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Đông Á với các Châu Lục. Biển Đông luôn là tuyến đường biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới (sau Địa Trung Hải). Trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới (có tới 10 tuyến lớn), thì có 29 tuyến đi qua địa phận Biển Đông. Trong 10 tuyến lớn thì khu vực Biển Đông có 1 tuyến và 5 tuyến đi qua hoặc có liên quan đến Biển Đông.

Trung bình mỗi ngày có 250-300 lượt tàu biển vận chuyển qua Biển Đông, trong đó có hơn 50% tàu có trọng tải trên 5.000 DWT, khoảng 15-20% tàu có trọng tải từ 30.000 DWT trở lên, chiếm ¼ lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Hàng năm, có khoảng 50% sản lượng dầu thô và các sản phẩm của toàn cầu được chuyên chở qua Biển Đông.

Trong giai đoạn năm 1970-2009 ngành vận tải biển trên thế giới luôn tăng và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân chung 2,91%/năm, trong đó tăng mạnh ở các mặt hàng chủ đạo đạt 4,06%/năm, hàng khô 3,97%/năm và dầu 1,57%/năm.

Nếu xét theo từng giai đoạn luôn có sự diễn biến phức tạp, chẳng hạn giai đoạn 1970-1980 đạt 3,7%/năm, nhưng đến giai đoạn năm 1980-1990 giảm xuống còn 0,8%/năm, giai đoạn 1990-2000 đạt tốc độ tăng trở lại (đạt 4,1%/năm) và duy trì cho cả toàn giai đoạn 2000-2009 (đạt 4,3%/năm). Tổng sản lượng thương mại hàng hải xuất khẩu của toàn cầu năm 1970 đạt 2.566 triệu tấn, bao gồm 1.442 triệu tấn dầu (chiếm 56,2% tổng sản lượng), hàng chủ đạo 448 triệu tấn (chiếm 17,5%) và hàng khô 676 triệu tấn (chiếm 26,3%). Từ năm 2000-2009, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu bằng đường biển tương đối ổn định, chẳng hạn dầu mỏ chiếm 33-36%, hàng chủ đạo 21-27% và hàng khô 39-42%.

Riêng Việt Nam, tại thời điểm hiện nay có 38 luồng đường biển, 49 cảng biển và 166 bến cảng; là một trong những điều kiện để nước ta tiến lên từ biển và làm giàu từ biển.

Hệ thống các luồng biển lớn ở nước ta phân bố chủ yếu các cửa sông hình phễu/hệ thống các lạch triều, cửa sông phẳng/dạng cúc áo, các cửa đầm, vũng vịnh. Đặc điểm các luồng biển về độ sâu, chiều rộng và chiều dài chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế; và hiện có 10 lồng biển có chiều dài trên 1 km, rộng trên 100 m và độ sâu trên 10 m, như nếu các lồng biển này được đầu tư đúng mức thì có thể trở thành các luồng biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, có hệ thống các cảng biển ở nước ta được xây dựng rải rác ở hầu hết các địa phương có biển, với 49 cảng biển, trong đó 17 cảng biển loại I, 23 loại II và 9 Loại III (cảng dầu khí ngoài khơi) và 166 bến cảng. Một điều bất cập đối với hệ thống luồng biển, cảng biển và bến cảng ở nước ta được xây dựng rải rác ở các địa phương, nhưng chưa có địa điểm nào đạt tầm quốc tế hay khu vực.

Bảng 1: Danh sách 10 luồng biển lớn ở Việt Nam

Stt

Tên luồng biển

Chiều dài (km)

Chiều rộng (m)

Chiều sâu (m)

1

Hòn Gai - Cái Lân (Đoạn Hòn Bài-Cái Lân)

31

130

-10,0

2

Vũng Áng (Từ phao số 0 đến cảng Vũng Áng)

2

150

-12,0

3

Chân Mây (Từ phao số 0 đến cảng Chân Mây)

3

150

-12,1

4

Đoạn Tiên Sa (Đà Nẵng)

6.3

110

-11,0

5

Dung Quất (Quảng Ngãi)

5.4

300

-14,5

6

Luồng vào cảng Quy Nhơn

9

110

-10,5

7

Luồng Vũng Rô (Phú Yên)

3

300

-10,0

8

Luồng vào cảng Nha Trang (Khánh Hoà)

11,1

130

-11,0

9

Luồng Đầm Môn (Khánh Hoà)

16,5

200

-16,0

10

Luồng Thị Vải (từ luồng Sài Gòn-Vũng Tàu đến Phú Mỹ Bà Rịa- Vũng Tàu)

36,5

150

-10,0

 
Đồ thị 1: Diễn biến hàng hoá thương mại bằng đường biển trên thế giới (UNCTD, 2007-2011)

Bảng 2: Diễn biến số lượng tàu vận tải biển của Việt Nam và Khu vực Đông Nam Á

Đv: chiếc

Quốc gia

Loại tàu

Năm 1980

Năm 1990

Năm 2000

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tốc độ (%/năm)

Việt Nam

Tổng số tàu

290

526

1.256

2.126

2.479

3.144

3.893

4.663

5.415

5,9

Tàu chở dầu

53

34

170

439

460

613

943

1.248

1.480

4,0

Tàu chở hàng

24

24

151

319

431

432

684

980

1.223

2,2

Tàu chở hàng đa năng

207

452

683

1.135

1.324

1.795

1.906

2.053

2.287

9,8

Tàu container

-

16

28

57

80

114

133

162

12,5

Loại tàu khác

6

16

237

205

208

223

247

250

262

2,7

Đông Nam Á

Tổng số tàu

76.832

45.558

56.182

95.085

103.343

110.565

122.000

129.229

142.598

55,0

Tàu chở dầu

15.306

4.938

6.646

22.206

23.270

26.164

30.630

30.457

35.012

44,9

Tàu chở hàng

28.230

29.893

31.261

46.619

50.467

53.521

57.176

61.526

66.961

43,4

Tàu chở hàng đa năng

14.072

6.899

8.555

14.794

17.199

16.065

16.826

17.498

18.551

76,6

Tàu container

11.015

1.552

5.652

6.964

8.277

9.610

11.618

12.893

14.163

78,4

Loại tàu khác

8.208

2.276

4.068

4.503

4.130

5.205

5.749

6.856

7.910

103,6

Tỷ lệ của Việt nam so với ĐNA (%)

Tổng chung

0,38

1,15

2,24

2,24

2,40

2,84

3,19

3,61

3,80

10,7

Tàu chở dầu

0,35

0,69

2,55

1,98

1,98

2,34

3,08

4,10

4,23

8,9

Tàu chở hàng

0,08

0,08

0,48

0,68

0,85

0,81

1,20

1,59

1,83

5,1

Tàu chở hàng đa năng

1,47

6,55

7,98

7,67

7,70

11,18

11,33

11,73

12,33

12,8

Tàu container

-

-

0,28

0,40

0,69

0,83

0,98

1,03

1,14

28,5

Loại tàu khác

0,08

0,70

5,83

4,55

5,03

4,29

4,29

3,64

3,32

2,6

Nguồn: UNCTD, 2011

Nếu so sánh tỷ lệ phần trăm thay đổi năm giữa thương mại Hàng hải so với GDP của toàn cầu luôn tỷ lệ thuận với nhau về xu hướng và tương ứng với nhau về giá trị. Trong giai đoạn 1991-2003, tốc độ tăng trưởng bình quân năm về sản phẩm của Ngành Thương mại Hàng hải tăng 2,7%/năm và GDP tăng 2,8%/năm. Đặc biệt, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải đường biển, tỷ lệ phần trăm tăng trưởng thương mại hàng hải năm 2009 giảm 4,5% so với năm 2008 và cao hơn so tỷ lệ tăng trưởng GDP của toàn cầu trong cùng kỳ năm (giảm 1,9% GDP của toàn cầu). Sau đó (sau năm 2009) các quốc gia trên thế giới đã có nhiều chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm giảm tỷ lệ lạm phát, dần phục hồi và phát triển kinh tế; do đó đến năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,5% và hàng hải khoảng 2,5%. Điều này cho thấy, Ngành thương mại hàng hải luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, hoặc nền kinh tế thế giới đã tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành hàng hải trong hàng chục thập kỷ qua.

Về khai thác dầu mỏ

Tổng trữ lượng dầu trên toàn cầu ước khoảng 77-115 tỷ tấn dầu mỏ, khoảng 60.000-65.000 tỷ m3 khí tự nhiên; trong đó trên địa phận biển-đại dương khoảng 20-30 tỷ tấn dầu (chiếm 26% trữ lượng dầu mỏ của toàn cầu) và 14-15 ngàn tỷ m3 khí tự nhiên (chiếm 23% trữ lượng toàn cầu). Với trự lượng khổng lồ này, cho đến nay đã có trên 100 nước tham gia nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí trên biển và hàng năm khai thác khoảng 20-30% tổng sản lượng dầu mỏ khai thác trên toàn cầu và 20% sản lượng khí tự nhiên.

Với trữ lượng và khả năng khai thác dầu mỏ như trên đã đáp ứng phần nào nhu cầu phát triển kinh tế của nhân loại, nhưng thực tế thế giới đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do mức khai thác và sử dụng với quy mô ngày càng mở rộng, năng suất ngày càng cao. Bởi vậy, hướng khai thác dầu khí ra biển là xu thế tất yếu của các quốc gia. Năm 2009 tổng sản lượng dầu khai thác trên toàn cầu khoảng 80 triệu thùng/ngày, giảm 2 triệu thùng/ngày so với năm 2008. Trong đó, sản lượng dầu mỏ được khai thác từ biển khoảng 16-24 triệu thùng/ngày, chiếm 20-30% tổng sản lượng dầu toàn cầu. Các nước thuộc Khối OPEC chiếm 41% tổng sản lượng dầu mỏ trên thế giới. Sản lượng dầu ở các nước thuộc khối OECD không thay đổi (giảm 0,2%) và đóng góp khoảng 23% tổng sản lượng dầu trên thế giới; các khối còn lại chiếm 36%. Đối với Việt Nam, hàng năm khai thác được khoảng 17-18 triệu tấn dầu thô.

Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, với tổng trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu qui đổi (riêng trên địa phận quần đảo Trường Sa 105 tỷ thùng), trong đó trữ lượng có khả năng khai thác 2 tỷ tấn dầu quy đổi và khí tự nhiên khoảng 1.000 tỷ m3. Việt Nam được xếp và nước trung bình trong khu vực (tương đương Thái Lan và Malaysia), nhưng lại thấp hơn Trung Quốc (trữ lượng dầu mỏ ước tính 25 tỷ tấn và 8.400 tỷ m3 khí tự nhiên).

Đồ thị 2: Cơ cấu sản lượng dầu, khí tự nhiên sản xuất và tiêu thụ trên thế giới năm 2009 (UNCTD, 2011)

Bảng 3: Diễn biến sản lượng thương mại dầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới

Chỉ tiêu

Năm

Sản lượng dầu bốc dỡ

(xuất khẩu)

Sản lượng dầu bốc xếp

(nhập khẩu)

Tổng cộng

Dầu thô

Dầu thành phẩm

Tổng cộng

Dầu thô

Dầu thành phẩm

Sản lượng dầu trên thế giới (triệu tấn)

Tổng cộng

10.826,3

7.106,5

3.719,8

11.466,3

7.746,4

3.719,9

Năm 2006

2.698,2

1.783,4

914,8

2.825,2

1.931,0

894,2

Năm 2007

2.746,9

1.813,4

933,5

2.899,8

1.995,5

904,3

Năm 2008

2.732,1

1.785,2

946,9

2.906,2

1.942,1

964,1

Năm 2009

2.649,1

1.724,5

924,6

2.835,1

1.877,8

957,3

Sản lượng dầu Khu vực ĐNA (triệu tấn)

Tổng cộng

576,7

225,5

351,2

890,5

477,2

413,3

Năm 2006

156,3

59,8

96,5

208,8

114,4

94,4

Năm 2007

154,6

56,4

98,2

233,9

131,3

102,6

Năm 2008

133,9

58,1

75,8

222,6

114,6

108,0

Năm 2009

131,9

51,2

80,7

225,2

116,9

108,3

Tỷ lệ của Đông Nam Á so với toàn cầu (%)

Tổng cộng

5,3

3,2

9,4

7,8

6,2

11,1

Năm 2006

5,8

3,4

10,5

7,4

5,9

10,6

Năm 2007

5,6

3,1

10,5

8,1

6,6

11,3

Năm 2008

4,9

3,3

8,0

7,7

5,9

11,2

Năm 2009

5,0

3,0

8,7

7,9

6,2

11,3

Tốc độ tăng (%/năm)

Toàn cầu

-0,46

-0,84

0,27

0,09

-0,70

1,72

Đông Nam Á

-4,15

-3,81

-4,37

1,91

0,54

3,49

Nguồn: UNCTD, 2011

Về Khai thác tiềm năng hải sản

Biển Đông được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển (với trên 11.000 loài) và một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản cao nhất toàn cầu, được xem là ngư trường lớn của quốc gia và hiện nay đang được khai thác hiệu quả.

Đối với khai thác hải sản (KTHS): Vùng Biển Đông đặc trưng bởi sự trù phú đa dạng sinh học, chiếm trên 30% rạn đá san hô ngầm trên thế giới, tạo nên vùng có trữ lượng nguồn lợi hải sản lớn của nhân loại. Mặc dù, diện tích không gian Biển Đông chỉ chiếm 1% của toàn thế giới, nhưng hàng năm sản lượng hải sản được khai thác ở khu vực Biển Đông chiếm tỷ lệ 30-60% của toàn cầu. Năm 1950 toàn cầu chỉ KTHS từ biển khoảng 16,78 triệu tấn hải sản các loại, trong đó được đóng góp từ Biển Đông 1,34 triệu tấn, chiếm 8,0% tổng sản lượng khai thác hải sản của toàn cầu và chiếm 24,4% tổng sản lượng KTHS ở khu vực biển Châu Á. Đến năm 2009, toàn cầu đã khai thác được 79,02 triệu tấn và khu vực Biển Đông đạt 26,01 triệu tấn (chiếm 32,9% toàn cầu và 64,7% Châu Á).

Trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc không những được xem là một trong quốc gia có sản lượng khai thác hải sản lớn nhất khu vực mà còn chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn cầu. Trong năm 1950, Trung Quốc chiếm 4,3% tổng sản lượng KTHS của toàn cầu, Philipine chiếm 1,1%, Việt Nam chỉ chiếm 0,3%. Nhưng đến năm 2009, Trung Quốc vẫn chiếm lý lệ lớn (chiếm 17,2% tổng sản lượng khai thác hải sản của toàn cầu), tiếp đến Indonesia (6%), Philipine (chiếm 3,1%), Việt Nam (chỉ chiếm 2,7%), Thái Lan (1,9%), Malaysia (1,7%) và Hồng Kông (0,2%), Campuchia (0,1%); Burnei, Macao, Singapor chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm về sản lượng KTHS trên biển giai đoạn năm 1950-2009 của toàn cầu đạt 21,8%/năm, trong đó khu vực Châu Á đạt 14,1%/năm và vùng Biển Đông đạt 5,4%/năm. Mặc dù, cơ cấu và sản lượng KTHS ở khu vực Biển Đông đã xác định được rõ ràng và phân định những quốc gia lớn; nhưng nếu xét tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng của toàn giai đoạn 1950-2009, Singapo có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn rất nhiều so với các nước và đạt 179,5%/năm, Hồng Kông (22,2%/năm), Brumei (21,8%/năm), Malaysia (10,6%/năm), Thái Lan (8,2%/năm), Philipine (8%/năm), Trung Quốc chỉ đạt 5,5%/năm, Campuchia 4,8%/năm và Việt Nam 2,5%/năm, Indonesia (1,6%/năm).

Ở Việt Nam trong những năm qua, nhờ có chủ trương đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt xa bờ đã tăng lên đáng kể. Năm 2000, tổng sản lượng khai thác xa bờ đạt 192.000 tấn, đến năm 2006 con số này tăng lên đạt 546.000 tấn, và đạt 750.000 tấn vào năm 2010, tăng 29,1% so với năm 2000; điều này cho thấy nghề đánh bắt xa bờ ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Chỉ trong thời gian 20 năm, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ở nước ta có tăng, nhưng tốc độ không cao so với sản lượng và đạt 6,2%/năm và tốc độ tăng số lượng tàu đạt 2,9%/năm. Ngược lại, tốc độ tăng bình quân năm về công suất tàu thuyền đạt 11,3%/năm và tăng cao hơn gấp 4 lần so với số lượng tàu, gấp 1,8 lần về sản lượng. Mặc dù, năng suất khai thác hải sản trên mỗi tàu ở nước ta ngày càng tăng, nhưng năng suất khai thác theo đơn vị công suất có chiều hướng giảm rất nhanh (giảm 4,9%/năm).

Đối với Nuôi trồng hải sản (NTHS): Việc khai thác lợi thế và thế mạnh của biển để NTHS trên biển trên thế giới ngày càng được phát huy và đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế biển của toàn nhân loại. Trong giai đoạn từ năm 1950-2009, đạt với tốc độ tăng trưởng bình quân năm về sản lượng 8,29%/năm, trong đó vùng Biển Đông 11,85%/năm và Thái Bình Dương 9,61%/năm. Tổng sản lượng NTHS toàn cầu năm 1950 đạt 0,32 triệu tấn hải sản các loại, trong đó được đóng góp từ vùng biển Thái Bình Dương 0,14 triệu tấn (chiếm 44,8%) và khu vực Biển Đông 0,037 triệu tấn (chiếm 11,9%). Nhưng đến năm 2009, sự lớn mạnh của các nước trong khu vực đã đóng góp sản lượng NTHS cho toàn cầu rất lớn và đạt 34,8 triệu tấn, trong đó biển Thái Bình Dương 31,7 triệu tấn (chiếm 91,1% toàn cầu) và Biển Đông 27,9 triệu tấn (chiếm 81,1%).

Đối với NTHS trên Biển Đông, Indonesia đạt tốc độ tăng cao nhất toàn vùng và đạt 23,7%/năm, tiếp đến là Philipine (16,91%/năm), Singapo (16,47%/năm), Trung Quốc chỉ đạt 13,97%/năm và Việt Nam (10,4%/năm), Thái Lan chỉ đạt 4,83%/năm, Malaysia 7,24%. Mặc dù Trung Quốc có tốc độ tăng không cao so với một số nước trong khu vực Biển Đông, nhưng luôn chiếm tỷ lệ lớn trong vùng, đạt 22,4 triệu tấn (năm 2009) và chiếm 64,4% tổng sản lượng NTHS trên thế giới; trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,59% (0,21 triệu tấn) và thấp hơn nhiều so vơi các nước trong vùng như Indonesia (2,82 triệu tấn, chiếm 8,1%), Philippine (1,86 triệu tấn, chiếm 5,35%).

Tuy nhiên, nếu xét theo giá trị sản lượng từ NTHS biển toàn cầu chỉ đạt tốc độ tăng bình quân năm 8,09%/năm (giai đoạn 1984-2009), khu vực Biển Đông 8,29%/năm và vùng biển Thái Bình Dương đạt 7,26%/năm. Rõ ràng, cùng với sự biến động về kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng bình quân năm về giá trị sản lượng trong NTHS luôn thấp hơn sản lượng, tức chưa có sự thay đổi về chất lượng sản phẩm. Trong khu vực Biển Đông, Indonesia là nước có tốc độ tăng về giá trị đạt cao nhất toàn vùng (28,04%/năm), Campuchia (22,09%/năm). Mặc dù, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về sản lượng đứng thứ 4 khu vực, nhưng giá trị đứng thứ 3 trong khu vực (đạt 15,59%/năm); trong khi đó Trung Quốc 8,12%/năm (thấp hơn so với sản lượng 13,97%/năm); Philippine (8,99%/năm), Thái Lan (8,03%/năm). Năm 1984 toàn cầu chỉ đạt 5,18 tỷ USD, bao gồm vùng Biển Đông đạt 2,18 tỷ USD (chiếm 42% toàn cầu). Đến năm 2009, đạt tỷ lệ tương ứng là 36,18 tỷ USD và 15,92 tỷ USD (chiếm 44% toàn cầu).

Vai trò của nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo nước ta có vị trí tương đối so với sự phát triển kinh tế thủy sản nước nhà. Cơ cấu sản lượng NTHS so với tổng sản lượng NTTS toàn quốc luôn chiếm tỷ lệ không quá 10% và có chiều hướng giảm dần cơ cấu từ 8,9% năm 2005 xuống còn 6% năm 2009 và 6,4% năm 2010. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng của NTTS toàn quốc (12,8%/năm trong giai đoạn 2005-2010) và luôn cao hơn so với NTHS (đặt 5,4%/năm). Nguyên nhân của việc cơ cấu sản lượng NTHS có giảm hơn so với sản lượng NTTS toàn quốc là do sản lượng nuôi cá tra ở nước ta ngày càng tăng; trong khi các đối tượng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta chưa có đối tượng mang tính đột phá (trừ Ngao có sự tăng trưởng tương đối, nhưng chưa rõ nét). Mặc dù, cơ cấu sản lượng NTHS trên biển và hải sản so với sản lượng NTTS toàn quốc giảm dần, nhưng giá trị sản xuất có xu hướng tăng dần từ 5,9% năm 2005, lên 6,6% năm 2010 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm về cơ cấu 2,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng NTTS toàn quốc đạt 12,8%/năm, sản lượng NTHS đạt 5,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng về diện tích NTTS toàn quốc đạt 1,7%/năm, nhưng NTHS đạt 2,6%/năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất (giá thực tế) của NTTS toàn quốc đạt 16,1%/năm, nhưng đối với NTHS trên biển và hải đảo tăng 19%/năm. Rõ rang, việc sử dụng diện tích NTHS chỉ chiếm 3,7% so với tổng diện tích NTTS toàn quốc, nhưng cơ cấu sản lượng chiếm 6,4% và giá trị từ NTHS chiếm 6,6%. Nguyên nhân, do các đối tượng NTHS có giá trị kinh tế cao hơn so với giá trị bình quân của NTTS.

Đồ thị 3: Diễn biến sản lượng nuôi trồng và khai thác hải sản trên biển của thế giới và khu vực Biển Đông {FAO, 2010}

Có thể nói, Biển Đông là vùng biển có nhiều tiềm năng nổi bật về kinh tế. Bên cạnh những tiềm năng nổi bật vận tải, thương mại, khai thác dầu mỏ và nguồn hải sản phong phú, Biển Đông còn có tiềm năng lớn phát triển du lịch với những bải biển đẹp, vùng vịnh thu hút lượng khách tham quan không nhỏ. Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển luôn được các quốc gia quan tâm, theo dõi. Biển Đông, chỉ chiếm 1% tổng diện tích không gian biển trên thế gưới, những đã có hơn 200 hòn đảo (đảo nổi, đảo chìm và rạn san hô) thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam. Riêng quần đảo Trường Sa, có hơn 100 hòn đảo nhỏ và đảo san hô, trên tổng diện tích mặt nước biển khoảng 0,41 triệu km2, chiếm 0,11% tổng diện tích biển trên thế giới. Vì vậy, cùng với những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác, Việt Nam cần có những định hướng phát triển kinh tế biển hợp lý mang tính lâu dài để vừa khai thác một cách hiệu quả những tiềm năng sẵn có, đóng góp vào sự phát triển đất nước, vừa giữ vứng được chủ quyền quốc gia.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIẾN VIỆT NAM

Mặc dù Kinh tế biển của nước ta đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh chính trị quốc gia, nhưng nếu xét về quy mô phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của nó.

Nhận thức được điều đó, đầu năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 09/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược đã đề ra mục tiêu "Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh”.

Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước, riêng kinh tế thuần biển chiếm 21-23%; đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội và cải thiện đời sống nhân dân vùng biển, ven biển. GDP đạt bình quân đầu người gấp 1,3-1,5 lần mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, phấn đấu xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh; phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và phát triển các ngành dịch vụ biển. Xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển. Mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển, nâng tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển và vùng ven biển đạt 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, việc phát triển kinh tế biển Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào một số điểm sau:

Một là, dựa vào lợi thế để tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Trước hết, cần khai thác địa thế, vị thế vững chắc sẵng sàng vươn khơi để phát triển Quốc phòng-Kinh tế biển đảo, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác lợi thế và tiềm năng về biển để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như:

Khai thác và chế biến dầu, khí: Đẩy mạnh nghiên cứu, thăm dò, khai thác và chế biến dầu mỏ và khí thiên nhiên trên biển. Cùng với nó là hợp tác liên kết, đầu tư ra nước ngoài trong thăm dò khai thác dầu mỏ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu. Phát triển ngành dầu khí một cách đồng bộ, an toàn và hiệu quả; phát triển mang tích tổng hợp, liên ngành và đa lĩnh vực đi đôi với bảo vệ tài nguyên và môi trường, hệ sinh thái biển và ven biển, giảm thiểu sự thất thoát nguồn tài nguyên không tái tạo. Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh dầu khí và hợp tác quốc tế.

Kinh tế hàng hải: Hợp tác và đẩy mạnh khai thác lợi thế "không gian biển” để phát triển kinh tế hàng hải đồng bộ với phát triển các ngành vận tải liên quan: đường bộ, đường sông, đường sắt; ứng dụng và phát triển công nghệ vận tải tiên tiến, trong đó chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn và hiệu quả. Đầu tư phát triển đội tàu có cơ cấu hợp lý, hiện đại, có năng lực cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế; tập trung đầu tư cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển và cảng cửa ngõ quốc tế ở các khu vực kinh tế trọng điểm và điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản:

Về khai thác hải sản: Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, viễn dương trên cơ sở xây dựng đội tàu hiện đại gắn khai thác với dịch vụ hậu cần trên biển; hiện đại hóa công tác thông tin liên lạc, nâng cao năng lực quản lý hoạt động nghề cá trên biển, phòng chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển. Phát huy sức mạnh quần chúng góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trên vùng biển đảo.Giữ ổn định tổng sản lượng khai thác hải sản như hiện nay, nhưng cần đẩy mạnh nâng cao về giá trị trên đơn vị sản phẩm, nâng dần tỷ trọng đánh bắt xa bờ. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão gắn với hệ thống dịch vụ bảo quản và chế biến xuất khẩu thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của nghề khai thác; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực; tìm hướng mở rộng mô hình liên doanh khai thác các vùng biển thuộc quốc gia lân cận. Tập trung đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi trên tất cả các vùng sinh thái, chú trọng vùng đất ngập nước; phát triển hệ thống khu bảo tồn biển và khu bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ trên cơ sở phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ cho khai thác hải sản.

Về nuôi trồng hải sản: cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn, trọng tâm phát triển Nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo, nuôi các sản phẩm chủ lực (tôm biển, nhuyễn thể, cá biển). Tổ chức đưa ngư dân ra các đảo xa để nuôi trồng hải sản, tập trung ở các đảo trọng yếu như Đá Tây, Nam Yết, Song Tử Tây, Lý Sơn, Thổ Chu, Bạch Long Vỹ, Đảo Trần, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quý, Cô Tô, Vân Đồn. Tổ chức giao và cho thuê mặt đất bãi triều, mặt nước biển cho các hộ dân, cá nhân và các tổ chức trong, ngoài nước để phát triển nuôi trồng hải sản. Củng cố và đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong thông qua các mô hình tổ đội sản xuất, hợp tác xã khai thác.

Về hậu cần, dịch vụ nghề cá trên biển: Tổ chức mô hình liên kết giữa khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá; liên kết giữa khai thác và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại trong khai thác hải sản (máy định vị vệ tinh, dò cá, các thiết bị thông tin, liên lạc) và phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu. đầu tư các đội tàu công ích phục vụ phát triển khai thác và NTHS trên các đảo và vùng biển trọng yếu của quốc gia; cải hoán, đóng mới tàu cá có công suất lớn đủ vươn khơi để đánh bắt xa bờ, đánh bắt ở vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các ngư trường quốc tế; đồng thời giảm dần số lượng nghề khai thác có nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Tập trung đầu tư đồng bộ cảng cá, bến cá, khu neo đậu phòng tránh trú bão và tìm kiếm cứu nạn; hạ tầng cơ sở các vùng NTTS tập trung, các khu sản xuất giống thủy sản vùng/tập trung;

Về chế biến và thương mại thủy sản: Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực chế biến theo chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm thủy sản, đồng thời tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hàng thủy sản Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tìm kiếm mở rộng các thị trường tiềm năng để xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Phát triển các nhà máy chế biến hải sảnđảm bảo gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến gắn kết chặt chẽ với người sản xuất. Chú trọng khôi phục và bảo tồn các làng nghề chế biến hải sản ở dải ven biển đi đôi với bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh nhập các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, bảo quản, sơ chế, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hải sản cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Áp dụng khoa học-công nghệ trong xử lý môi trường các nhà máy chế biến, khu nuôi trồng hải sản tập trung, cảng cá, bến cá.

Du lịch biển, đảo:Tận dụng các thế mạnh về sinh thái biển, đảo để phát triển du lịch biển-đảo; đầu tư cải tạo và nâng cấp 126 bãi biển đẹp, trong đó chú trọng 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Tổ chức liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cụm du lịch trong nước và quốc tế. Hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao gồm Hạ Long-Cát Bà, Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An, Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn-Cô Tô; khai thác tour du lịch Trường Sa-Hoàng Sa; đầu tư, xây dựng cảng du lịch chuyên dụng. Phát triển du lịch biển đảo luôn luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách nghỉ dưỡng biển.

Hai là, khai thác hiệu quả và hợp lý đối với các tuyến đảo để phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia:

Đối với những đảo có vị trí chiến lược thì xây dựng cầu cảng, phát triển dịch vụ và phát triển quốc phòng-kinh tế biển đảo. Với các tuyến đảo trọng yếu sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở dịch vụ bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho ngư dân từ đất liền ra định cư và bán định cư để làm ăn sinh sống, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; là chỗ dựa cho ngư dân yên tâm làm ăn và trú đậu tàu thuyền trên biển khi bão gió, kết hợp tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt chú trọng hơn nữa về vấn đề khai thác lợi thế đặc trưng của các hệ sinh thái để bảo đảm khai thác bền vững. Đối với vùng vũng vịnh, luồn lạch nước sâu, cửa sông, đầm phá sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, cảng cá, khu neo đậu, bến cá và khu căn cứ bờ. Đối với những vùng biển có hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển cần thành lập các khu bảo tồn nhằm tái tạo nguồn lợi, tăng năng suất khai thác và tạo sinh kế ổn định cho hơn 8 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào biển.

Ba là, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và sân bay ven biển

Tận dụng các lợi thế dải cát ven biển để đầu tư, xây dựng, nâng cấp và mở rộng các khu Quốc phòng – Kinh tế biến, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp để phát triển kinh tế biển, khu đô thị, dân cư ven biển. Đồng thời hoàn chỉnh, khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, các cảng cá và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá ven biển và trên các đảo. Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển và đường vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển. Tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, sớm khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật - công nghệ các cảng, tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hóa, giảm thiểu tối đa chi phí, bảo đảm có sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở lồng ghép các chương trình, mục tiêu để phát triển cơ sở hạ tầng: đường giao thông chính, bến cập tàu, nguồn cung cấp điện, nước ngọt, xử lý chất thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh và phục vụ sinh hoạt của nhân dân trên các đảo xa đất liền có đông dân cư. Phát triển mạng lưới giao thông vận tải nối các vùng biển, đảo với ven biển và các vùng nội địa.

Rõ ràng Việt Nam không thể khai thác biển tốt hơn nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách là một thực lực, tốt nhất là trong tư cách của một cường quốc biển. Vì vậy, hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược- như nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển đã xác định và đang trở thành một yêu cầu bức bách, mang tính thời sự và đồng thời một cơ hội lớn cho sự phát triển mang tính bùng nổ của Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo chính

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.

2. Vũ Hiệp Bình (2011). Phát huy sức mạnh quần chúng góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trên vùng biển, đảo tổ quốc. Tạp chí Cộng sản, số 826 (8-2011).

3. Đỗ Tiến Sâm (2007). Chiến lược của Trung Quốc. Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hà Nội tháng 12/2007.

4. Bùi Tất Thắng (2007). Chiến lược kinh tế biển: cách tiếp cận và những nội dung chính. Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hà Nội tháng 12/2007.

5. Nguyễn Việt Thắng (2007). Phát huy vai trò của Ngành thủy sản trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền trên biển Việt Nam. Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hà Nội tháng 12/2007.

6. Lê Văn Bính (2009). Đại dương và Luật quốc tế hiện đại. Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội. Luật 25 (2009) 33-40.

7. Nazery Khalid (2010). Biển Đông: nền tảng cho sự thịnh vượng hay vũ đài cho sự tranh cãi, biển đông hợp tác vì phát triển trong khu vực. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, 2009, chương trình nghiên cứu Biển Đông.

8. Nguyễn Chu Hồi (2007). Phát triển du lịch biển bền vững ở Việt Nam nhìn từ góc độ sinh thái môi trường. Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam. Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hà Nội tháng 12/2007.

9. Ngô Doãn Vịnh (2004). Cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế-xã hội dải ven biển Việt Nam, đề xuất các mô hình phát triển một số khu vực trọng điểm. Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình Điều tra cơ bản và ứng dụng công nghệ biển- Mã số KC.09.11.

10. FAO (2011). http://www.fao.org/fishery/statistics/software/en.

11. FAO (2011). FAO fisheries and aquaculture department (2010). The state of world fisheries and aquaculture 2010. Rome 2010.

12. UNCTD (2011). Review of Maritime Transpost 2010. New York and Geneva, 2011.

13. UNCTD (2010). Review of Maritime Transpost 2009. New York and Geneva, 2010.

14. UNCTD (2009). Review of Maritime Transpost 2008. New York and Geneva, 2009.

15. UNCTD (2008). Review of Maritime Transpost 2007. New York and Geneva, 2008.

16. UNCTD (2007). Review of Maritime Transpost 2006. New York and Geneva, 2007.
 
Hồ Công Hường, Viện Chiến lược phát triển
(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Tổng quan Kinh tế - xã hội Việt Nam, số 3-2011 (15)).