Tọa đàm về lượng hóa tác động của biến đổi dân số đến tăng trưởng kinh tế

01/08/2014 09:22


Chiều 29/7/2014, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Tọa đàm góp ý cho dự thảo lần thứ nhất báo cáo nghiên cứu "Sử dụng phương pháp tài khoản chuyển giao quốc dân (NTA) lượng hóa tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đề xuất các chính sách nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng ở nước ta thời kỳ đến năm 2050”.

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Phó Giám đốc Dự án và bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Văn phòng UNFPA tại Viêt Nam, đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu đến từ: Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Học Viện Chính sách và Phát triển; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng,…

Nghiên cứu nêu trên được thực hiện nhằm hướng tới 04 mục tiêu cụ thể sau: (1) Phân tích sự biến động cơ cấu tuổi dân số Việt Nam trong ba thập kỷ vừa qua (từ 1979 đến 2012) và dự báo cho đến năm 2050. Phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế và các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng trong giai đoạn từ khi bắt đầu đổi mới đến nay (1986-2013); (2) Xây dựng các mô hình để tính toán tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cho đến năm 2050; (3) Phân tích nhu cầu đầu tư phát triển nguồn nhân lực và việc làm của một số lĩnh vực nhằm tăng năng suất lao động và tích lũy; (4) Đề xuất một số chính sách nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Trong báo cáo trình bày tại buổi tọa đàm,PGS.TS. Giang Thanh Long và nhóm nghiên cứu đã đưa ra các công thức xác định giai đoạn cơ cấu dân số vàng thông qua "Tài khoản chuyển giao quốc dân (NTA)”, từ đó đưa ra tác động của biến cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế và tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến cơ hội có việc làm,… Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 6 mô hình khác nhau vềtính toán tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến năm 2050.

Tuy nhiên, một số ý kiến phản biện cho rằng, nhóm nghiên cứu đề tài cần đưa ra sự khác nhau của các mô hình để có thể lựa chọn được mô hình tốt nhất, tối ưu nhất.Kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Giang Thanh Long thay mặt nhóm nghiên cứu ghi nhận các ý kiến đóng góp và sẽ chỉnh sửa để báo cáo được hoàn thiện hơn cho dự thảo lần 2 tới./.

Nguồn:Viện Chiến lược phát triển