Hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015-2016
31/03/2016 08:40
Sáng 30/3/2016, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015 (KSP 2015) tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngài Jun Dae Joo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hàn Quốc tại Việt Nam; Ngài Yoon Dae-hee, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách của Chính phủ, nước Cộng hòa Hàn Quốc, Cố vấn cao cấp của Chương trình KSP năm 2015; cán bộ Chương trình KSP 2015 phía Hàn Quốc và Việt Nam đại diện các bộ, ngành, tổng công ty có liên quan và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam, đại diện một số tổ chức quốc tế và đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại buổi công bố, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong hơn 23 năm qua và hiện nay là quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược”. Đặc biệt, hai bên đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam - Hàn Quốc vào ngày 20/12/2015 vừa qua. Đây là dấu mốc rất quan trọng mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam là một trong hai quốc gia đang phát triển đầu tiên được tiếp nhận Chương trình KSP vào năm 2004 – năm đầu tiên thực hiện Chương trình. Trong nhiều năm qua, thông qua Chương trình KSP, Hàn Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam về nghiên cứu, tham vấn, xây dựng chính sách phát triển kinh tế trung và dài hạn và đào tạo tăng cường năng lực dự báo, phân tích kinh tế vĩ mô và năng lực trong một số lĩnh vực khác (như quan hệ đối tác công tư – PPP) nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong bài phát biểu chúc mừng Hội thảo, Ngài Jun Dae Joo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của KSP đối với Việt Nam trong khoảng 11 năm qua – một đối tác KSP thành công nhất của Hàn Quốc.
Ngài Yoon Dae-hee, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách của Chính phủ, nước Cộng hòa Hàn Quốc, Cố vấn chính sách cao cấp của Chương trình KSP năm 2015 ca ngợi sự phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc trong hơn 23 năm qua, hiện hai nước là đối tác hợp tác chiến lược và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam và giúp Việt nam khác phục những bất trắc trong nền kinh tế toàn cầu. Ngài Yoon cũng nêu bật tầm quan trọng của chia sẻ tri thức và tài trợ phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay và hy vọng các kết quả nghiên cứu và các đề xuất chính sách của ba chủ đề nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2015 sẽ hữu ích cho việc hoạch định các chính sách có liên quan của Việt Nam trong những năm tới.
Ba báo cáo nghiên cứu được công bố lần này đều về những vấn đề rất cấp thiết đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay và tương lai, đó là: (1) Cải thiện hệ thống đánh giá công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo: Chỉ dẫn cho xây dựng mô hình của Việt Nam; (2) Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; (3) Hỗ trợ nghiên cứu để hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội nhằm nâng cao giá trị gia tăng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu về chủ đề thứ nhất cho thấy hệ thống đánh giá công nghệ (TRS) được thiết kế để tiến hành đánh giá theo chiều sâu về kỹ thuật, khả năng tiếp thị và tính khả thi về kinh doanh của công nghệ. Hàn Quốc đã khá thành công khi áp dụng hệ thống đánh giá này (KTRS) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc có công nghệ nhưng thiếu vốn. Hiện nay, Hàn Quốc đang hỗ trợ Việt Nam triển khai hệ thống này với tên gọi Hệ thống đánh giá công nghệ của Việt Nam (VTRS). VTRS được xây dựng năm 2014 trên cơ sở nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2014 và đang được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thử nghiệm đối với một số doanh nghiệp. Dự kiến VTRS sẽ đưa vào áp dụng trên quy mô lớn hơn ở Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo nghiên cứu về chủ đề thứ hai được đông đảo đại biểu dự Hội thảo rất quan tâm. Báo cáo chọn vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thí điểm nghiên cứu các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu rút ra từ kinh nghiệm của Hàn Quốc. Nhóm tác giả đã đưa ra 08 biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Về nguồn nước: (1) nâng cấp và nâng cao hệ thống thoát nước; (2) kiểm soát tốc độ tăng dân số; (3) phân bố lại các khu vực dân cư gần vùng ven biển; về sản xuất cây trồng gồm: (4) Phát triển các mô hình cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; (5) sử dụng hiệu quả nước tưới tiêu; (6) tăng cường hệ thống thủy lợi; về hệ thủy sinh gồm: (7) nhập khẩu và phát triển các giống thủy sản có gái trị mà có thể thích ứng với nhiệt độ cao; (8) thay đổi cơ cấu nông nghiệp từ độc canh cây lúa sang hệ thống luân canh cá - lúa.
Báo cáo nghiên cứu về chủ đề thứ ba - hình thành Cụm tương hỗ điện tử nhằm nâng cao giá trị gia tăng - là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển khá nhanh và mạnh, thu hút được sự quan tâm lớn của thế giới, nhiều doanh nghiệp điện tử tầm cỡ toàn cầu đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu nhân lực chất lượng cao; chuỗi cung ứng mong manh do khu vực sản xuất linh kiện kém phát triển và năng lực công nghệ yếu kém. Vì vậy, báo cáo đề xuất một số chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử: Hỗ trợ mạnh từ phía Chính phủ (thuế, cấp vốn, đào tạo nhân lực; thành lập các viện R&D và các viện nghiên cứu trực thuộc doanh nghiệp); ứng dụng công nghệ nước ngoài; thu hút sự tham gia của các kỹ sư điện tử trong cộng đồng Việt kiều và nước ngoài; thu hút các công ty điện tử lớn hàng đầu; phát triển thị trường cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới thông qua đầu thầu mua sắm công; sử dụng đầy đủ tham vấn chính sách nước ngoài cho ngành này. Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nên hình thành Cụm tương hỗ điện tử theo hướng này, trước tiên có thể tại vùng Hà Nội.
Các báo cáo nghiên cứu cuối cùng trong khuôn khổ KSP 2015 sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam cũng như các đối tác phát triển khác của Việt Nam./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển