Tiếp theo thành công của VRDF 2018 và 2019, VRDF 2020 được
diễn ra trong bối cảnh năm nay có hai điểm đặc biệt. Một là, năm 2020 là
năm toàn Đảng, toàn dân chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản
Việt Nam lần thứ XIII. Đây cũng là thời điểm xây dựng Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2021-2025. Chiến lược và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5
năm 2021-2025 là hai trong những văn kiện quan trọng nhất sẽ được trình Đại hội
Đảng lần thứ XIII thông qua. Chính vì vậy, các nội dung của VRDF 2020 có thể
đóng góp rất thiết thực cho văn kiện Đại hội. Hai là, ngay từ đầu năm
2020, thế giới đã chứng kiến sự bùng phát của dịch Covid-19 từ thành phố Vũ
Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ra khắp thế giới. Quy mô lớn và tốc độ lây lan nhanh
chưa từng có của đại dịch này làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế trên toàn cầu,
dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929 -1935
của thế kỷ XX và thậm chí lớn hơn cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới
năm 2008. Việt Nam là một trong số ít quốc gia nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch
bệnh và sớm đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, nhưng nguy cơ tái
bùng phát đại dịch này vẫn rất lớn. Đại dịch Covid-19 cùng với cuộc cạnh tranh
chiến lược và xung đột chính trị Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra ngày càng gay gắt
đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các nền kinh tế trong cả tầm
trung và dài hạn, làm thay đổi môi trường thương mại, đầu tư quốc tế và tái cơ
cấu mạnh mẽ chuỗi cung ứng toàn cầu trong vai trò của Trung Quốc có xu hướng giảm
đi so với trước đây. Đối với riêng Việt Nam, bên cạnh những thách thức lớn, bối
cảnh này cũng mở ra một số cơ hội, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất
khẩu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh nêu trên, dự kiến các mục tiêu chủ yếu của
VRDF 2020 gồm: (i) Thảo luận các vấn đề cải cách và phát triển của Việt Nam
trong bối cảnh mới nêu trên, giúp Việt Nam xác định rõ các thách thức cơ hội
phát triển cả trong tầm ngắn hạn và trung hạn; (ii) Đề xuất các giải pháp, hành
động hiệu quả để đưa nền kinh tế Việt Nam sớm vượt qua khó khăn, phục hồi, bứt
phá tăng trưởng và tận dụng được những cơ hội mới đang xuất hiện; (iii) Tiếp nhận
được các ý kiến đóng góp hữu ích, xác đáng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2021-2025; và (iv) Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc
tế và khu vực.
Diễn đàn có 02 phiên thảo luận về
các chủ đề:
Phiên 1 là với chủ đề "Covid-19 và hành động của Việt
Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị
thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ do TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám
đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ
tư vấn Kinh tế của Thủ tướng điều hành. Các diễn giả trong nước và quốc tế tham
gia thảo luận tại phiên này gồm: TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ
trách Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), Nguyên
Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (Trình bày trực tuyến trên nền tảng
Zoom hoặc chiếu video clip ghi hình trước phần trình bày của diễn giả); TS.
Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng và Giám đốc Chương trình phụ
trách Việt Nam, Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt
Nam; TS. Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế - Cố vấn quốc tế cao cấp của
UNDP (Tham gia trực tuyến trên nền tảng Zoom); Bà Hà Thị Thu Thanh,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam.
Phiên 2 với chủ đề "Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng
bao trùm và bền vững” sẽ do GS. TS. Dương Nguyên Vũ, Giảng viên
Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không vũ trụ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý
không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang, Xin-ga-po điều hành. Các diễn giả tham
gia thảo luận tại phiên 2 gồm: Ông Toomas Hendrik Ilves, Nguyên Tổng thống
nước Cộng hòa E-xtô-nia, Chuyên gia xuất sắc, Trung tâm Phân tích chính sách châu
Âu (Video clip: ghi hình trước phần trình bày của diễn giả và phần trao đổi
giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và diễn giả, chiếu tại Diễn đàn); Ông
Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền
thông; TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
(Vin AI Research), Vingroup; Ông Winfrid Messmer, Quyền Chủ nhiệm Bộ môn
Công nghệ thông tin, Đại học Việt - Đức, Viện trưởng Viện Tin học ứng dụng,
CHLB Đức, Chủ tịch Ủy ban lĩnh vực số, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham)
tại Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn dự kiến có đại diện các bộ, ban, ngành, địa
phương; các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới; đại diện một số quốc
gia trong khu vực và thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề Diễn đàn; đại
diện các đối tác phát triển của Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, các tập
đoàn trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, học giả và đại diện một số cơ
quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Diễn đàn được trực tuyến trên trên fanpage
và youtube (Ban tổ chức sẽ cung cấp đường linh trên Cổng thông tin điện tử của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trang website của Ngân hàng thế giới và trang thông tin
điện tử Viện Chiến lược phát triển).
Link đăng ký tham dự Diễn đàn:
Link đăng ký tham dự tại Trung tâm Hội nghị quốc tế:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdPRh4WfPDN8SoX-Z5vuoYytnRYxCWbF6yyy_XXjTUo_-3eCA/viewform
Link
đăng ký tham dự online:
https://docs.google.com/forms/d/1ES0pgfLB-1g2LfJl7I9rFG2AWz7wfyaYU3vRdz6Q93U/viewform?edit_requested=true
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.