Hội nghị diễn ra
chiều ngày 15/9/2023 với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương,
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có
liên quan của tỉnh. Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng là đại diện các
bộ, ngành có liên quan; các chuyên gia - ủy viên phản biện và đại diện lãnh đạo
một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phú Yên là tỉnh
nằm ở trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây
Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Phú Yên có đường bờ biển dài gần
190 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều tiềm năng phát triển,
nhưng gần như chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội như Vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Gành Đá
Đĩa; cao nguyên Vân Hòa ...; có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tài nguyên đất
còn nhiều dư địa thuận lợi để phát triển nông nghiệp chất lượng cao.
Phú Yên là tỉnh
có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải
đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng hàng không Tuy Hòa có
vị trí rất thuận tiện và có nhiều tiềm năng để nâng cấp trở thành một trong những
cảng hàng không lớn, hiện đại; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư,
đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của Phú Yên đã được đầu tư tương đối
đồng bộ. Đây là nền tảng để tỉnh Phú Yên bứt phát triển trong giai đoạn từ nay
đến năm 2030.
Tuy nhiên, trong
giai đoạn 2011-2020, tỉnh Phú Yên đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng
và tiềm năng của tỉnh (6,9%/năm), năm 2020 quy mô GRDP và GRDP bình quân đầu
người đều đứng thứ 11/14 tỉnh trong vùng Miền Trung, chỉ bằng 61% mức trung
bình của cả nước, chỉ số PCI đứng thứ 42/63 trong cả nước. Nông nghiệp chiếm
xấp xỉ 26%, công nghiệp - xây dựng 27% và dịch vụ 42%, cho thấy dư địa để phát
triển ngành công nghiệp còn lớn; vốn đầu tư toàn xã hội thấp, thu hút vốn đầu
tư FDI còn hạn chế, quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn, đầu
đàn.
Theo Thứ trưởng
Trần Quốc Phương, xuất phát điểm hiện tại của tỉnh Phú Yên là thấp, quy hoạch
tỉnh lần này là cơ hội quý để Phú Yên rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát
triển, xác định cụ thể các điểm nghẽn, để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng
tâm, các khâu đột phá giúp giúp tỉnh Phú Yên chủ động kiến tạo tương lai, biến
tiềm năng thành động năng, cao hơn là thành nguồn lực và động lực cho phát
triển, giúp Phú Yên phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công
nghệ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần
Quốc Phương cũng nhấn mạnh đến các nội dung đề nghị thành viên Hội đồng thẩm
định, ủy viên phản biện tham gia ý kiến, tập trung cho ý kiến để giúp Phú Yên
khơi thông được nguồn lực, tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển. Đồng thời
nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Phú Yên được lập trong bối cảnh có những thuận lợi
như có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát
triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về
phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm
2045; các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về
định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc
hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ về
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; 17 quy hoạch ngành quốc gia đã
được phê duyệt và 21 quy hoạch ngành quốc gia khác đang trong quá trình hoàn
thiện và trình phê duyệt.

Bí thứ tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu. Ảnh:
MPI
Bí thư tỉnh ủy
tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên
quan đã quan tâm trong suốt quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh. Đồng thời cho
biết, tỉnh Phú Yên xác định việc lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ quan trọng. Do
vậy, ngay sau khi có Luật Quy hoạch, tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương
rất quan tâm đến việc triển khai lập quy hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu đề ra
và đáp ứng theo Luật Quy hoạch nhưng cũng phải theo tinh thần chung của quy
hoạch vùng. Với sự quyết tâm của tỉnh, trong quá trình xây dựng, lãnh đạo tỉnh
thường xuyên chỉ đạo, đưa ra những định hướng lớn, giao đầu bài cụ thể cho tư
vấn với mục tiêu nhanh nhưng phải đảm bảo sự bền vững, phân bổ nguồn lực phù
hợp trong thời kỳ quy hoạch.
Ông Phạm Đại
Dương cho biết, quy hoạch tỉnh hướng đến mục tiêu là tỉnh giàu và người dân
cũng giàu; Phú yên có đủ các điều kiện để thực hiện mục tiêu đề ra; thu hút các
nhà đầu tư quan tâm đến khu kinh tế Nam Phú Yên; có bờ biển dài, kết nối khu
vực Tây Nguyên để phát triển nông nghiệp, phát huy nền văn hóa đặc sắc, đậm đà;
có đủ điều kiện để phát triển một cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, quốc phòng, an ninh.
Theo báo cáo tóm
tắt nội dung quy hoạch, tỉnh Phú Yên đưa ra mục tiêu phát triển đến năm 2030
trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển
dựa vào lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp, du lịch, đô thị hóa, nông
nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục
tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm
đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới
kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Mục tiêu đến năm
2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển
đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú
Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng
duyên hải Nam Trung Bộ; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, một trong
những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng
và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Tỉnh xác đinh các
trụ cột phát triển, gồm: Về công nghiệp - xây dựng đô thị; dịch vụ - du lịch;
về nông-lâm-thủy sản. Tỉnh cũng đưa ra các khâu đột phá như cải cách thủ tục
hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; nâng cao trình độ, trách nhiệm
đội ngũ cán bộ, công chức. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng,
minh bạch, thân thiện, nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc
nhóm tốt của cả nước. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm,
sáng tạo, năng động. Huy động mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước để tập trung
phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cho ý kiến đối
với hồ sơ quy hoạch, các chuyên gia-ủy viên phản biện, thành viên Hội đồng đánh
giá quy hoạch tỉnh được xây dựng công phu; đáp ứng theo yêu cầu quy định của
pháp luật về quy hoạch và quy hoạch về bảo vệ môi trường. Đồng thời tập trung
cho ý kiến về sự phù hợp của quy hoạch tỉnh với quy định tại Điều 32 của Luật
Quy hoạch; Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16
của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành
và UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Phú Yên.
Các ý kiến cũng
tập trung vào nội dung chính của quy hoạch như làm rõ các tồn tại, hạn chế,
"điểm nghẽn” lớn cần giải quyết; xác định rõ tiềm năng, lợi thế, cơ hội và
thách để giúp Phú Yên xác định các kịch bản tăng trưởng mang tính đột phá trong
thời kỳ mới. Xem xét cho ý kiến việc xác định nhiệm vụ trọng tâm; lựa chọn các
khâu đột phá phát triển cải cách hành chính; xây dựng hoàn thiện hệ thống kết
cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại và phát triển nguồn nhân lực và
định hướng phát triển các ngành quan trọng trong thời kỳ quy hoạch.
Cho ý kiến về
giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững, đô thị trong rừng; giải pháp mở
rộng thành phố Tuy Hòa để đạt đô thị loại I trong giai đoạn 2021-2030; Định
hướng phát triển và phân bổ không gian trong từng ngành, từng địa phương; định
hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho
sự phát triển của Phú Yên, trong đó có dự án luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng
sạch; phương án phát triển khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng
kỹ thuật; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường
và Danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch; về các giải pháp để
tỉnh Phú Yên trở thành một trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao,
trung tâm du lịch chất lượng cao của vùng và cả nước.
Sau khi thảo
luận, thành viên Hội đồng, các ủy viên phản biện đã xem xét, biểu quyết vào
phiếu đánh giá đối với hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh và Dự thảo Báo cáo
thẩm định để tổng hợp, công bố tại phiên họp của Hội đồng với kết quả 100% đồng
ý với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn phát biểu.
Ảnh: MPI
Phát biểu tiếp
thu, giải trình ý kiến, Chủ tịch tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cảm ơn các ý kiến góp
ý thẳng thắn, chân thành, tâm huyết của các đại biểu đối với quy hoạch tỉnh Phú
Yên; các ý kiến rất sâu sắc, hiểu sâu, rõ về thực trạng, định hướng và tình hình
thực tế của tỉnh, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính như đánh giá
thực trạng; quan điểm, mục tiêu phát triển; quan điểm phát triển hệ thống đô
thị, nông thôn, các khu chức năng; phương án phân bổ đất đai; bảo vệ môi
trường, nhất là phương án bảo vệ rừng, giải quyết các vấn đề xung đột về môi
trường; về danh mục dự án và thứ tự ưu tiên; giải pháp và nguồn lực ưu tiên;...
Đồng thời khẳng định, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị tỉnh Phú Yên sẽ tiếp
thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện bản quy hoạch với chất lượng cao nhất, thể
hiện rõ khát vọng phát triển của tỉnh và đảm bảo sự thống nhất quy hoạch quốc
gia, quy hoạch vùng.
Chủ tịch tỉnh Phú
Yên Tạ Anh Tuấn cũng làm rõ thêm vấn đề liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất; rà
soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai
đoạn 2026-2030 tích hợp vào quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu sử dụng
đất trong thời kỳ quy hoạch, tập trung phát triển công nghiệp gắn với du lịch -
tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển tiềm năng lợi thế cảng biển, nhất là
khu công nghiệp, khu kinh tế, phát triển khu công nghiệp luyện kim, hóa dầu,
năng lượng sạch... đây là những tiềm năng lợi thế, được các chuyên gia đánh giá
có tính cạnh tranh rất lớn ở khu vực; có tiềm năng phát triển năng lượng tái
tạo, năng lượng sạch; tỉnh cũng đang hoàn tất thủ tục để thu hút các dự án quy
mô lớn trong khu kinh tế Nam Phú Yên… do vậy, nhu cầu về sử dụng đất lớn và để
triển khai thực hiện mục tiêu theo quy hoạch đề ra, tỉnh kiến nghị điều chỉnh
mục tiêu sử dụng đất. Đây cũng là điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển bứt
phá trong thời gian tới.
Phát biểu kết
luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá, quy hoạch tỉnh Phú Yên
được thực hiện khá nghiêm túc; nội dung thể hiện khá rõ nét khát vọng phát
triển, đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch, môi trường. Để sớm
hoàn thiện nội dung quy hoạch trình cấp có thẩm quyền theo quy định, Thứ trưởng
Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Phú Yên nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến,
trong đó tập trung làm rõ các nội dung như rõ hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh
đối với vùng, quốc gia; bổ sung luận cứ các tiềm năng, thế mạnh của biển để làm
căn cứ cho các phương án phát triển kinh tế biển; bổ sung đánh giá về mối liên
kết của tỉnh Phú Yên đối với các tỉnh lân cận để mở rộng, tăng cường liên kết
vùng; bổ sung các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế
tuần hoàn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận. Ảnh: MPI
Bên cạnh đó, cần
tập trung làm rõ thêm các nội dung liên quan đến phương hướng phát triển các
ngành quan trọng trên địa bàn, đề xuất giải pháp phát triển ngành quan trọng
của tỉnh. Về phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm
công nghiệp, Thứ trưởng đề nghị bổ sung thuyết minh, làm rõ tính khả thi, đảm
bảo các khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số
35/2022/NĐ-CP của phương án quy hoạch cho từng khu công nghiệp được đề xuất mới
trong quy hoạch; làm rõ một số nội dung về phương án phát triển hạ tầng giao
thông; phát triển hạ tầng, năng lượng, hạ tầng cấp nước; phương án bảo vệ môi
trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; về sắp xếp đơn vị hành chính
theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023, Nghị quyết số
26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Công điện số 616/CĐ-TTg ngày
04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn cùa Bộ Nội vụ; hướng dẫn của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6356/BKHĐT-QLQH ngày 08/8/2023.
Trên tinh thần
đó, Thứ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch
xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể toàn bộ các ý kiến bằng văn bản;
chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản
đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật;
chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, không chồng lấn, xung đột giữa
các nội dung của các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với
các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan./.
Theo Tùng
Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư