Theo đó, Quy
hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu
tổng quát đến năm 2030, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường
và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh
ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử
dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo
hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; phát huy giá trị bản sắc văn hóa
dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo,
hội nhập”; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động
ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an
ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa
Yên Bái nằm trong nhóm 05 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền
núi Bắc Bộ.
Về mục tiêu kinh
tế cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm, cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản
chiếm khoảng 14,8%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39,0%; ngành dịch
vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%.
GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm
2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa,
bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung
du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.
Về phương hướng
phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Quy hoạch tỉnh Yên Bái xác định 03
ngành quan trọng gồm: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; Công nghiệp; Dịch vụ. Cụ thể,
về nông, lâm nghiệp, thủy sản, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh
tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Khuyến khích
phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông
minh.
Về công nghiệp,
phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi
trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ
lực, có lợi thế cạnh tranh như: Chế biến nông lâm sản gắn với khai thác, phát
triển vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, đưa
Yên Bái trở thành một trong các trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và
miền núi Bắc Bộ.
Về dịch vụ, tập
trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: Du
lịch, thương mại, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khoẻ, tài chính,
ngân hàng, logistics, vận tải,... theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả,
nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Phát triển du lịch xanh, bản sắc,
hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng; hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát
triển các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, đưa Yên Bái
trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với
thương hiệu "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.
Quyết định cũng
nêu rõ 07 giải pháp thực hiện Quy hoạch. Một là, giải pháp về huy động vốn đầu
tư tái cơ cấu chi ngân sách theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi
đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Vận động thu hút nguồn vốn
ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông nghiệp, nông thôn thích ứng với thiên tai,
giáo dục, y tế, nhất là y tế cơ sở.
Hai là, giải pháp
về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết
chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công
nghệ, thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đến làm việc
và sinh sống tại tỉnh Yên Bái.
Ba là, giải pháp
về bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường. Tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác
thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường.
Bốn là, giải pháp
về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển công
nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, công nghiệp phục vụ dịch vụ và nông nghiệp với
định hướng khoa học - công nghệ trình độ cao, thân thiện với môi trường và tiết
kiệm tài nguyên. Ưu tiên đầu tư các dự án tăng cường tiềm lực khoa học - công
nghệ; dự án phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; dự án đầu tư tăng
cường cơ sở vật chất khoa học - công nghệ.
Năm là, giải pháp
về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, trong đó, đối với liên kết hợp tác
quốc tế, thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh, thành phố của
các nước có nhiều điểm tương đồng, có tiềm năng, lợi thế trong hợp tác phát
triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa,... Đối với liên kết hợp
tác trong nước, liên kết với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
nhằm triển khai thực hiện kết nối cơ sở hạ tầng giao thông cấp vùng đối với các
đô thị, trung tâm du lịch và khu công nghiệp của tỉnh.
Sáu là, giải pháp
về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, nâng cao chất lượng xây
dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch và phát
triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng nông
thôn, xã hội hóa đầu tư.
Bảy là, giải pháp
về nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cụ thể,
đổi mới bộ máy quản lý, thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống chính trị, thúc đẩy
tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ và tinh thần làm chủ của
nhân dân. Về cơ chế chính sách, công bố rộng rãi Quy hoạch tỉnh và định hướng
phát triển các ngành kinh tế then chốt cùng với các cơ chế, chính sách và giải
pháp hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với
từng ngành nhằm định hướng đầu tư cho các nhà đầu tư sẵn có và tiềm năng trên
địa bàn tỉnh. Về cải cách hành chính, đẩy nhanh cải cách hành chính đồng bộ,
toàn diện từ cải cách chức năng, nhiệm vụ của bộ máy tổ chức, sắp xếp vị trí
việc làm một cách hợp lý đến cải cách tài chính công.
Thủ tướng Chính
phủ giao các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có
trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái trong quá trình thực hiện
quy hoạch; phối hợp với tỉnh Yên Bái nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có
thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có
hiệu quả các nguồn lực để thực hiện quy hoạch./.
Theo Thục Anh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư