Diễn đàn quy hoạch  
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2023 | 3:52:42 Chiều
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Chinhphu.vn
(MPI) - Ngày 09/10/2023 đã diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Tiềm năng và khát vọng". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao đã trao Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên hơn 3.311 km2 - đứng thứ 6 trong vùng, dân số gần 1,2 triệu người - đứng thứ 9 trong vùng, với bờ biển dài hơn 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh (có 3 cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh), có vị trí cách trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long - thành phố Cần Thơ 60km. Tỉnh có vị trí nằm trên đường giao nhau giữa trục giao thông dọc và giao thông ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sóc Trăng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế và là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn của cả nước, (trên 2 triệu tấn lúa mỗi năm, với nhiều giống lúa đặc sản đạt giải quốc tế ST24, ST25); là nơi nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn; là địa phương giao thoa văn hóa đặc sắc giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Sóc Trăng có nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó; có sự đa dạng văn hóa lễ hội, chùa chiền.

Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg, tỉnh Sóc Trăng đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030 là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Về kinh tế, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.

Về xã hội, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 33 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11 người.

Về môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98 - 99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98 - 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc./.

Theo Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn