Đào tạo  
Công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Giang Thị Thu Huyền
Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2023 | 4:26:26 Chiều
Đề tài luận án tiến sĩ: Nghiên cứu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam 
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển 
 Mã số: 9310105 
Nghiên cứu sinh: Giang Thị Thu Huyền 
Người hướng dẫn thứ nhất: PGS. TS. Lê Xuân Đình 
Người hướng dẫn thứ hai: TS. Vũ Thanh Nguyên 
Đơn vị: Viện Chiến lược và Phát triển

1. Những đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật

(1) Luận án đã luận giải và làm rõ vấn đề lý luận liên quan đến quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT và xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thu thuế GTGT đối với hoạt động này.

(2) Luận án đứng trên góc độ tổng cung – tổng cầu trong nền kinh tế để luận giải mức thất thu thuế GTGT trong hoạt động TMĐT. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, dù cách cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng theo cách nào, truyền thống hay TMĐT thì tổng số thuế GTGT thu được vẫn đảm bảo dựa trên số lượng hàng hóa tiêu dùng của nền kinh tế. Đây chính là căn cứ để xác định mức thất thu thuế GTGT từ hoạt động TMĐT, nói cách khác mức thất thu này chính là phần chêch lệch giữa số thuế GTGT phải thu từ lượng hàng hóa dịch vụ cung ứng và tiêu dùng với số thuế GTGT thực nộp của các giao dịch TMĐT.

(3) Luận án chỉ ra rằng, bản chất của thuế GTGT đánh vào giá bán hàng hóa, dịch vụ nên khi người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ họ đã nộp tiền thuế, còn đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ là chủ thể có nghĩa vụ nộp số thuế này cho nhà nước. Do đó, việc thất thu thuế GTGT từ TMĐT có thể do ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế của NNT chưa cao. Việc nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế GTGT của DN phát sinh doanh thu TMĐT rất quan trọng, nhằm tìm ra mức độ tác động của các nhân tố và đề ra giải pháp nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ thuế của họ.

(4) Luận án cho rằng, TMĐT hay thương mại truyền thống đều là các hình thức kinh doanh trong nền kinh tế, do đó cần phải được đối xử bình đẳng như nhau trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Chỉ khi nào tạo được sự bình đẳng, đảm bảo sự đóng góp của các hình thức kinh doanh này, thì khi đó mới tạo động lực phát triển nền kinh tế, phát huy tối đa vai trò của chính sách thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng.

2. Những đóng góp mới về đánh giá thực tiễn

(5) Từ số liệu thứ cấp được thu thập và số liệu sơ cấp từ điều tra khảo sát cán bộ công chức thuế và DN có phát sinh doanh thu từ hoạt động TMĐT, nghiên cứu đã phân tích một cách khách quan về thực trạng quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2022, chỉ ra những mặt đạt được, điểm hạn chế và nguyên nhân của nó trong quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT.

(6) Kiểm định và làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế GTGT đối với DN có phát sinh doanh thu từ hoạt động TMĐT ở Việt Nam. Đánh giá mức độ thành công và thách thức trong quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT từ cán bộ công chức thuế.

(7) Luận án cho rằng, để tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong nền kinh tế được tham gia kinh doanh TMĐT, tiến tới phát triển kinh tế số bao trùm ở Việt Nam. Với tổng số thu từ thuế GTGT đối với các giao dịch TMĐT của cá nhân, hộ kinh doanh trong TMĐT không lớn, nên cần cân nhắc vấn đề thu thuế GTGT đối với hoạt động này của các chủ thể kinh doanh là các nhân, hộ gia đình, sẽ ảnh hưởng đến quan điểm khuyến khích sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế số, trong khi hình thức TMĐT có vai trò xúc tác mạnh trong việc chuyển đổi này.

(8) Căn cứ vào quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT và trên cơ sở dự báo phát triển TMĐT trong giai đoạn tới, kết hợp với những vấn đề còn tồn tại và kết quả phân tích mô hình hồi quy, luận án đề xuất 10 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý thuế GTGT đối với TMĐT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 (theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045).

3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu của Luận án ở mức độ nhất định đã cung cấp các luận cứ khoa học góp phần hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh, giúp các doanh nghiệp, nhà cung cấp nước ngoài và người dân dễ dàng tìm hiểu rõ hơn quy định pháp luật thuế và thực hiện việc kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế thuận lợi. giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, giúp cơ quan thuế quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp những tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ở góc độ trực diện quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT, kết quả nghiên cứu của Luận án góp phần đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động quản lý thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động TMĐT thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, công bằng trong phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo lập sự tăng trưởng cho nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, luận án hiện chưa phân tích mức độ thất thu thuế ở phía hộ gia đình cũng như việc thu thuế theo hình thức thuế buôn bài với các hộ kinh doanh TMĐT sẽ tác động như thế nào đối với việc thúc đẩy TMĐT phát triển và tính lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế số quốc gia. Đây là những vấn đề được xem là gợi ý cho những nghiên cứu về thuế GTGT đối với hoạt động TMĐT tiếp theo ở Việt Nam./.

Luận án:

Tóm tắt luận án

Toàn văn luận án


 

Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn