Hội đồng đánh giá luận án tiến
sĩ cấp Viện do PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý
kinh tế Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS. TS Doãn
Kế Bôn, Trường Đại học Thương mại, Phản biện 1; PGS. TS Đỗ Hương Lan, Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 2; PGS. TS PhanTrần Trung Dũng, Trường Đại học Ngoại thương, Phản biện 3; PGS. TS Chu Đức
Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Ủy viên Hội đồng; PGS.
TS Nguyễn Thị Kim Anh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy
viên Hội đồng; TS. Nguyễn Hữu Khánh, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký
Hội đồng.
Dự lễ bảo vệ có bà Nguyễn Lệ
Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ quan đào tạo; GS.
TSKH Nguyễn Quang Thái, Người hướng dẫn khoa học; đông đảo đồng nghiệp, người
thân, bạn bè của NCS Bùi Kiều Anh.
Với mục tiêu của luận án là
nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn góp phần bổ sung làm rõ
cơ sở lý thuyết về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn những tiêu chí
đánh giá nhằm chọn lọc nguồn vốn FDI hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới, góp phần vào việc hoàn thiện
chính sách thu hút FDI, tác giả đã hoàn thành luận án với nội dung gồm bốn
chương: Chương I: Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án;
Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với bối
cảnh quốc tế và trong nước; Chương III: Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài ở Việt Nam; Chương IV: Quan điểm, giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Luận án đã có một số đóng góp
mới về lý luận và thực tiễn. Về lý luận, Luận án đã tổng kết cơ sở lý thuyết về
đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài và bối cảnh mới; đánh giá vai trò của FDI đối
với phát triển kinh tế, các nhân tố ảnh hưởng đến FDI; xác định tiêu chuẩn, tiêu
chí đánh giá sự thành công của hoạt động FDI trong bối cảnh mới; khái quát
chính sách FDI.
Về mặt thực tiễn: Luận án
nghiên cứu FDI đã tổng kết thực tiễn thu hút FDI trong bối cảnh mới; đánh giá
kinh nghiệm thu hút FDI của một số quốc gia trên thế giới (cụ thể là Trung Quốc,
Thái Lan, Singapore, theo đặc thù riêng của từng nước trong vùng) và rút ra bài
học kinh nghiệm cho Việt Nam. Phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội của
Việt Nam, tác giả Luận án đã đánh giá thực trạng thu hút FDI ở Việt Nam trong
giai đoạn 2010-2022 theo 4 nhóm tiêu chuẩn đánh giá, phát hiện những thành
công, hạn chế và những nguyên nhân của hạn chế. Luận án đưa ra 5 quan điểm và đề
xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI, đóng góp vào phát
triển KT-XH đất nước, vào thịnh vượng chung của cả dân tộc Việt Nam. Sáu nhóm
giải pháp của luận án gồm: (1) Giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách về FDI;
(2) Giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần phục hồi kinh tế sau đại
dịch COVID-19; (3) Giải pháp liên quan đến chuyển giao công nghệ; (4) Giải pháp
về tăng cường liên kết kinh tế; (5) Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; (6) Giải pháp về bảo vệ môi trường.
Theo Hội đồng đánh giá luận
án tiến sĩ cấp Viện, luận án của NCS Bùi Kiều Anh là công trình nghiên cứu
công phu, nghiêm túc và độc lập của tác giả. Đề tài luận án có ý nghĩa về lý luận
và thực tiễn, đáp ứng được những yêu cầu của một luận án tiến sỹ kinh tế. Bản
tóm tắt luận án phản ánh trung thành nội dung của luận án. Hội đồng nhất trí đề
nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ của NCS Bùi Kiều Anh
và cấp bằng tiến sĩ cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và
Đào tạo./.

Bà
Nguyễn Lệ Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ quan tặng
hoa chúc mừng NCS Bùi Kiều Anh.

NCS Bùi
Kiều Anh chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.
Nguồn: Viện Chiến lược phát
triển