Hội thảo – Hội nghị  
Toạ đàm về Dịch chuyển lao động đến năm 2030 ở Việt Nam phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế
Cập nhật: Thứ sáu, 10/11/2023 | 10:01:02 Sáng
Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc toạ đàm.
Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc toạ đàm.
Nhằm làm rõ xu hướng dịch chuyển lao động, phân tích các các rào cản đang làm cho chuyển dịch lao động khó khăn hơn trong thời gian tới, sáng ngày 09 tháng 11 năm 2023, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad - Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức Tọa đàm thảo luận về kết quả của Báo cáo nghiên cứu: "Dịch chuyển lao động đến năm 2030 ở Việt Nam phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế”.

Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng Đại Diện, Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) đồng chủ trì toạ đàm.

Tham dự toạ đàm còn có các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu và các cơn quan trong nước và nước ngoài.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ "Dịch chuyển lao động đến năm 2030 ở Việt Nam phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế” là một báo cáo độc lập của nhóm nghiên cứu thuộc VIDS và KAS thực hiện nhằm phân tích thực trạng chuyển dịch lao động trên thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn 2010-2021, dự báo xu hướng, bối cảnh chuyển dịch lao động đến năm 2030. Đây là một báo cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng vì phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề được Việt Nam quan tâm nhiều năm qua và trong những năm tới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động tiếp tục là một khâu then chốt để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045.


Ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng Đại Diện, Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm.

Tại toạ đàm, ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng Đại Diện, Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được những thành tựu lớn trong tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đtạ trên 6,5%/ năm trong giai đoạn 2010-2019. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu gia tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp và dịch vụ tương đối chậm cho thấy mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế vẫn là một thách thức không nhỏ cho mục tiêu của giai đoạn tới.

Trong giai đoạn tới, dịch chuyển lao động vẫn là một trong những thách thức lớn ở Việt Nam. Tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học và công nghệ trên thế giới khiến cho lao động của Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về trình độ và kiến thức, càng làm hạn chế khả năng dịch chuyển. Đồng thời, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh mới xuất hiện, kèm theo sự mất đi của một số ngành, nghề truyền thống hoặc thâm dụng lao động dẫn đến nguy cơ thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng và xu thế toàn cầu hóa đã tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, tạo ra sự cạnh tranh và thúc đẩy phân bổ lại liên tục các nguồn lực sản xuất liên tục giữa các hoạt động. Trong bối cảnh đó, dịch chuyển và khả năng dịch chuyển chậm của lao động sẽ trở thành rào cản cho quá trình phát triển đất nước.

 

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển - đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo.

Tại buổi toạ đàm, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo "Dịch chuyển lao động đến năm 2030 ở Việt Nam phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế”. Báo cáo gồm 5 phần. Phần I tập trung phân tích thực trạng chuyển dịch lao động hiện nay. Phần II phân tích các rào cản lớn đối với chuyển dịch lao động. Phần III trình bày bối cảnh thời gian tới, trong đó chú trọng hai yếu tố là thay đổi KHCN và hội nhập. Phần IV tập trung vào những thông tin dự báo chuyển dịch lao động trong điều kiện không có những đột biến lớn trong chính sách lao động. Phần V trình bày một số giải pháp liên quan nhằm tăng tốc độ chuyển dịch lao động trong thời kỳ tới.

Trong báo cáo này, chuyển dịch cơ cấu lao động được hiểu là thể hiện qua ba hình thức khác nhau: (i) chuyển dịch về nghề nghiệp; (ii) chuyển dịch về trình độ, kỹ năng của người lao động, nghĩa là năng lực tiếp thu kỹ năng của người lao động để nâng cao năng suất lao động; và (iii) sự chuyển dịch về không gian (quá trình di cư). Mỗi loại hình chuyển dịch đều có tầm quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và trong nhiều trường hợp, loại hình chuyển dịch này lại đòi hỏi hoặc bao hàm loại hình khác, ví dụ như sự chuyển dịch về nghề nghiệp lại phụ thuộc vào chuyển dịch về trình độ, kỹ năng được đào tạo hoặc do di cư.

Toạ đàm cũng đã được nghe ba bài phản biện và nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học và nhà quản lý đến từ các cơ quan nghiên cứu và quản lý trong nước và nước ngoài. Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu và đồng tình với phần lớn nội dung nhận định của báo cáo mà nhóm nghiên cứu đưa ra.

Kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chân thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong nước và nước ngoài. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để báo cáo được hoàn thiện hơn nữa./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.

Báo cáo: Tại đây

Link video: Tại đây


Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn