Tin tức - Sự kiện
Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại Lễ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
Updated: 3/18/2016 1:54:30 PM GMT + 7

Kính thưa:

- Ngài Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Ngài Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

- Và Quý vị đại biểu

Việt Nam là một câu truyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất và tròn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có mức thu nhập trung bình. Từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%... Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận và đó cũng chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta.

Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới. Có lẽ rất ít ai biết rằng đầu thế kỷ thứ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Phi-lip-pin và My-an-ma cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Hiện nay (2014) thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 USD), chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan (5.977 USD) và hơn 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Ma-lai-xi-a (11.307).

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong lịch sử Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước nhưng chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đưa đất nước mình từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Yêu cầu, đòi hỏi phải đổi mới. Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng (1970-2025), như vậy chúng ta chỉ còn khoảng tối đa là 10 năm thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất sau đó giảm dần. Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế. Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

Vì ba lý do trên Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Tháng 7, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã đưa ra sang kiến xây dựng Báo cáo VN 2035. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Sau gần 2 năm Báo cáo đã được hoàn thành, gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường

Thứ nhất, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Về vai trò của năng suất lao động, nhà kinh tế học đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: "Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó.” Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Có 3 nguyên nhân chính về vấn đề này:

(i) Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu: Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.

(ii) Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.

(iii) Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Thứ hai, phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam) cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Thứ ba, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp những kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này…nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Thứ tư, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Do vậy xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Trụ cột 2: Công bằng và hòa nhập xã hội (hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người).

Bên cạnh sự phát triển nhanh vận động theo cơ chế, quy luật thị trường, sự cạnh tranh gay gắt sẽ tạo ra sự gia tăng khoảng cách giầu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Do vậy bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, chúng ta phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo… Đây cũng chính là tính ưu việt của CNXH và cũng chính là trách nhiệm của Nhà nước trong thực thi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cũng là hành động thiết thực để thực hiện tốt các kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về mục tiêu thiên niên kỷ sau năm 2015.

Để đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội, bên cạnh cần tiếp tục thực hiện các chương trình đang được triển khai, đồng thời thực hiện chương trình cải cách hướng tới sự hình thành của tầng lớp trung lưu cũng như qua trình già hóa dân số. Các chương trình này đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế, mang lại cơ hội phát triển cho mọi người như mục tiêu được Liên Hiệp Quốc đưa ra: "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trụ cột 3: Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Thứ nhất, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân.

Thứ hai, hiệu lực của nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ: (a) Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài; (b) Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công cộng và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế; (c) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân, và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, khung khổ pháp lý của Việt Nam đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước. "Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là những điều được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại khoảng cách giữa những cam kết này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Quy trình bầu cử và cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân.

Một số quan điểm, tư tưởng lớn của Báo cáo đã được chắt lọc, đưa vào nội dung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã và đang đưa các nội dung nghiên cứu này để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 trình Quốc hội phê chuẩn trong tháng 3 năm 2016.

Những nội dung nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035 là những khuyến nghị mang tính chất lâu dài, do vậy đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện và có những hiệu chỉnh cho phù hợp.

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi. Chúng tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới.

Thông tin khác
Chuyên gia Xem thêm
Video
Wait for downloading or browser does not support
Ảnh

VĂN PHÒNG HÀNH CHÍNH BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG BÁO CÁO VIỆT NAM 2035

Địa chỉ: 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (+84)-4-38462125 - Fax: (+84)-4-38452209 - Email: vietnam2035@mpi.gov.vn
ĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG | CHÍNH SÁCH BẢO MẬT