Diễn đàn quy hoạch  
Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam
Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2022 | 11:51:41 Sáng
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020 của Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHTTQG). Để có thêm cơ sở hoàn thiện Báo cáo và chuẩn bị trình thẩm định QHTTQG, sáng ngày 26 tháng 7 năm 2022, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Chiến lược phát triển làm đầu mối) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn và chuyên gia quốc tế đối với dự thảo QHTTQG.

Hội thảo do ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện Các cơ quan Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Bộ, ngành; đại diện các công ty tư vấn; đại diện các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Báo cáo hiện đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến rộng rãi.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Do vậy, việc học hỏi các kinh nghiệm quốc tế, tìm hiểu góc nhìn của các chuyên gia quốc tế là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, tại Hội thảo ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn và chuyên gia quốc tế về các vấn đề chủ yếu của báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là về xu thế phát triển của khu vực, quốc tế và yêu cầu đặt ra của bối cảnh mới, về tổ chức không gian phát triển quốc gia, về bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, về định hướng phát triển và phân bố các ngành, lĩnh vực quan trọng...

Phát biểu tại Hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết dự thảo báo cáo là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng QHTTQG theo Luật Quy hoạch, đó là một việc rất phức tạp với nhiều nội dung.

Thách thức trong thời gian tới là làm thế nào để chúng ta dành không gian để thích ứng với diễn biến mới mà chúng ta chưa lường tới. Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển hướng phát triển không gian tổng hợp cấp quốc gia và cấp vùng thay vì trên góc nhìn theo từng địa phương.


Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk tại Hội thảo.

Để hoà thiện báo cáo Bà Carolyn Turk đã nêu ra một số điểm quan trọng cần trao đổi như: Chúng ta cần cân đối và xác định ưu tiên mục tiêu phát triển, thể hiện tầm nhìn phát triển dựa trên phương pháp luận rõ ràng và những phân tích chắc chắn; Xử lý những bất cập trong quá trình triển khai, đưa ra cách thức để hoàn thành các mục tiêu phát triển về không gian; Cân nhắc khung quy phạm pháp luật cũng như thể chế để hỗ trợ triển khai quy hoạch khi chúng ta quyết định ưu tiên phát triển không gian gắn với vùng động lực cũng như hành lang kinh tế; Cải thiện quy trình đầu tư công trong tất cả các khâu từ khâu lựa chọn đến khâu giải ngân.

Tại Hội thảo, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. TS. Trần Hồng Quang cho biết quan điểm của quy hoạch là tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.


TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển trình bày tại Hội thảo.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

Phát triển theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển cả nước, các vùng và hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý, tạo động lực quan trọng cho phát triển.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu; lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, là quyết định; thu hút nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực đất liền với không gian biển, tham gia có hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đến năm 2030, hình thành một số vùng động lực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào ngân sách; hình thành các hành lang kinh tế trọng điểm; Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; Cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2050, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, phát huy tiềm năng, khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực, liên kết mạnh mẽ cùng phát triển. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt qua Tây Nguyên, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, các trục Đông - Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển,… Tiếp tục giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0”.

Định hướng trọng tâm về tổ chức không gian phát triển đất nước, TS. Trần Hồng Quang chỉ rõ trong khi các nguồn lực phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển. Trong thời kỳ quy hoạch định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Hội thảo đã được nghe ba bài phản biện từ các chuyên gia Ngân hàng thế giới và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia phía Ngân hàng thế giới, các chuyên gia trong nước, các cơ quan trung ương và các chuyên gia từ các công ty tư vấn.

Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương gửi lời cảm ơn sâu sắc sự hỗ trợ rất ý nghĩa và hiệu quả từ phía Ngân hàng thế giới đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngân hàng thế giới không chỉ hỗ trợ trong việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động mà còn cung cấp các chuyên gia giúp Bộ hoàn thiện bản Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã tham dự và đóng góp ý kiến giúp Bộ hoàn thiện Báo cáo. Những ý kiến, góc nhìn của quý vị sẽ giúp bản Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam có thêm cơ sở để hoàn thiện đạt chất lượng cao nhất, đồng thời Quy hoạch cũng sẽ có kết nối tốt hơn với những ưu tiên hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.


Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn