Tham dự hội thảo có TS. Trần
Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng
Vụ Quản lý quy hoạch, Giám đốc Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể
quốc gia và quy hoạch vùng; các chuyên gia thuộc Tổ chuyên gia tư vấn về quy hoạch
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện
Chiến lược, chính sác tài nguyên và môi trường; đại diện một số đơn vị của Bộ
Tài nguyên và Môi trường; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các cán bộ của Viện Chiến lược phát triển.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Sỹ
Linh, Viện Chiến lược, chính sác tài nguyên và môi trường, đại diện nhóm nghiên
cứu trình bày nội dung "Thực trạng và
phương hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước quốc gia”.
Thực
trạng tài nguyên nước quốc gia
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh cho
biết, Việt Nam có lượng mưa trung bình năm vào khoảng 1.940-1.960 mm, thuộc
nhóm quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Do ảnh hưởng của địa hình và
vị trí địa lý nên lượng mưa phân bố không đều giữa các khu vực trên cả nước và
biến đổi mạnh theo thời gian.
Về Tài nguyên nước mặt: Việt
Nam có 106 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10
km trở lên nên thường được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi
dào. Tổng lượng nước mặt của các lưu vực sông (LVS) trên lãnh thổ Việt Nam khoảng
830 - 840 tỷ m3/năm, nhưng chỉ có khoảng 310 - 315 tỷ m3 (37%) là nước nội
sinh, còn 520 - 525 tỷ m3 (63%) là nước chảy từ các nước láng giềng vào lãnh thổ
Việt Nam.
Tài nguyên nước dưới đất: Việt
Nam cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất với tổng trữ lượng khoảng
189,3 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ
và khu vực Tây Nguyên.
Thực
trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước
Hiện nay, khu vực đô thị có
khoảng 770 nhà máy nước với tổng công suất đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm.
Vùng nông thôn có tổng số công trình cấp nước đã xây dựng khoảng trên 16.573
công trình, cấp nước sinh hoạt cho 28,5 triệu người.
Tổng lượng nước khai thác, sử
dụng cho ngành nông nghiệp trên cả nước khoảng 65 tỷ m3/năm và chủ yếu sử dụng
nguồn nước mặt (59,9 tỷ m3).
Nước sử dụng cho công nghiệp,
trong năm 2019, tổng lượng nước sử dụng khoảng 7,49 tỷ m3, trong đó 7,06 tỷ m3
từ nguồn nước mặt, tập trung phần lớn trên lưu vực sông Đồng Nai (chiếm 68,3%
lượng nước sử dụng cho công nghiệp cả nước), tiếp đó là lưu vực sông Hồng -
Thái Bình (chiếm 15,5%).
Khai thác, sử dụng nước cho
thuỷ điện: Cả nước hiện có 493 (đến tháng năm /2021) dự án thuỷ điện đã được
đưa vào vận hành, khai thác với tổng công suất lắp máy là 20.603MW, chiếm khoảng
30% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Gần đây, lượng nước
không đủ đáp ứng nhu cầu phát điện, nhiều nhà máy khu vực Miền Trung, Tây
Nguyên năng suất phát điện quý I/2020 chỉ đạt 15% kế hoạch năm; lượng nước trên
các hồ thủy điện chỉ đạt dung tích khoảng 35% dung tích hữu ích; trong nửa đầu
năm 2020, lượng nước trên các con sông thiếu từ 15-70%.
Khai thác, sử dụng nước cho
giao thông thuỷ: Giao thông đường thủy nội địa có 124 cửa sông, trong đó có 89
cửa sông, kênh có thể khai thác vận tải với 57 cửa sông phương tiện đến 100 tấn
có thể ra vào. Tổng chiều dài vận tải nội địa 17.253km chiếm 41,2% chiều dài
các sông đang được quản lý khai thác.
Định
hướng khai thác và sử dụng tài nguyên nước
Định
hướng bảo vệ nguồn nước, trong đó:
Định hướng về hành lang bảo
vệ nguồn nước: Giai đoạn đến năm 2025, áp dụng các nguyên tắc phân vùng các nguồn
nước cần được bảo vệ theo mức độ: 1-Nghiêm cấm tất cả các hoạt động; 2-Nghiêm cấm
một số hoạt động phát triển có ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước; 3-Cho phép một
số hoạt động cụ thể. Giai đoạn 2025-2030, xác định hành lang bảo vệ trên thực địa,
đảm bảo nguồn nước được phân vùng bảo vệ theo mức độ ưu tiên; Xây dựng hệ thống
bản đồ hệ thống hành lang bảo vệ nguồn nước trên cả nước, đặc biệt là các LVS
liên tỉnh, các hồ chứa lớn,…Giai đoạn sau 2030, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu
về hành lang bảo vệ nguồn nước theo không gian và gắn với các áp lực liên quan
đến phát triển kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu.
Định hướng bảo vệ vùng đầu
nguồn các sông lớn: Giai đoạn đến 2025: Hạn chế các hoạt động tại khu vực đầu
nguồn, bảo vệ vùng sinh thuỷ. Bảo vệ rừng, bảo vệ thảm phủ thực vật như rừng tự
nhiên, rừng trồng. Tập trung vào những định hướng, giải pháp cụ thể cho các lưu
vực sông theo vùng địa lý và nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để khắc phục triệt
để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường
xuyên biên giới. Giai đoạn 2025-2030: Xây dựng nguyên tắc quản lý tài nguyên nước
trong lưu vực sông được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành
chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Chủ động hợp tác khai thác nguồn lợi do
tài nguyên nước mang lại và bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư trong lưu vực.
Giai đoạn sau 2030: Quản lý đất đai gắn với nguồn nước, chỉ số an ninh nguồn nước.
Quản lý, phát triển rừng gắn với bảo vệ nguồn nước. Quản lý phát triển công
trình thuỷ lợi gắn với nhu cầu sử dụng nước. Quản lý các mỗi liên hệ liên quan.
Quản lý và giảm nhẹ thiên tai. Quản lý nguồn nước từ thượng nguồn đến nơi sử dụng
cuối cùng.
Định hướng bảo vệ nguồn nước dưới đất: Giai đoạn
đến 2025: Hạn chế khai thác các vụ có nguy cơ cạn suy kiệt nguồn nước dưới đất.
Giai đoạn 2025-2030: Bảo vệ và thực hiện bổ cập nước dưới đất tại các khu vực
cho phép. Giai đoạn sau 2030: Triển khai các hoạt động bảo vệ giám sát.
Định
hướng khai thác, sử dụng TNN quốc gia, trong đó:
Định hướng về khai thác và sử
dụng TNN quốc gia: Khai thác, sử dụng TNN phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế
– xã hội gắn với khả nămg đáp ứng của nguồn nước với việc bảo vệ và phát triển,
dự trữ nguồn nước. Khai thác, sử dụng TNN đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả,
tổng hợp và đa mục tiêu, hài hòa lợi ích của từng ngành, từng địa phương. Khai
thác, sử dụng bền vững TNN dựa trên kết quả điều tra cơ bản, quan trắc, giám
sát để điều chỉnh chỉ tiêu mức độ khai thác, sử dụng trên cơ sở chuyển đổi số,
áp dụng công nghệ tiến tiến. Ưu tiên khai thác nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất
và giải trí nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Ưu tiên khai thác nước mặt
trước, nước dưới đất sau. Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về
khai thác, xử lý và lưu trữ nguồn nước trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng
và tác động của BĐKH.
Định hướng khai thác, sử dụng
tài nguyên theo vùng lãnh thổ: Đối với vùng Miền núi phía Bắc: Khai thác nguồn
nước mặt tự nhiên từ hệ thống hồ chứa, sông, suối phục vụ mục đích sinh hoạt và
sản xuất. Hạn chế các hoạt động phát triển có nguy cơ gây ô nhiễm cao tại các
khu vực đầu nguồn, vùng sinh thủy các sông lớn; Tăng cường đầu tư, xây dựng các
công trình nước tự chảy và áp dụng các giải pháp hạn chế tác hại của nước;… Đối
với vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ: Khai thác và sử dụng nguồn nước mặt cho
sinh hoạt và sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng và hạn chế phát triển
tại các khu vực đầu nguồn, vùng sinh thủy các sông lớn; Kiểm soát ô nhiễm nguồn
nước mặt do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và hoạt động sản xuất
nông nghiệp;… Đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Phân bổ và điều
tiết nguồn nước mặt trong mùa hạn, đảm bảo ưu tiên cho mục đích sinh hoạt trước
các hoạt động khác; Tăng cường đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng
đầu nguồn các lưu vực sông lớn như sông Cả, sông Mã,… Đối với vùng Nam Trung Bộ:
Phân bổ và điều tiết nguồn nước mặt trong mùa hạn, đảm bảo ưu tiên cho mục đích
sinh hoạt trước các hoạt động khác; Ưu tiên phát triển các ngành/hoạt động kinh
tế sử dụng ít nước; Tăng cường đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng
đầu nguồn các lưu vực sông lớn như sông Vu Gia- Thu Bồn, sông Thu Bồn,… Đối với
vùng Tây Nguyên: Hạn chế khai thác nước dưới đất cho mục đích sản xuất nông
nghiệp, tăng cường sử dụng các biện pháp canh tác, hệ thống canh tác tiết kiệm
nước; Tăng cường đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn
các lưu vực sông lớn như Đồng Nai, Sê Sa, Srêpok,… Đối với vùng Đông Nam Bộ: Khai
thác và sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt và sản xuất theo yêu cầu nâng cao
hiệu quả sử dụng, hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất cho mục đích sản xuất-giải
trí; Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt do nước thải sinh hoạt, nước thải công
nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp;… Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Hạn chế khai thác nước dưới đất cho mục đích sản xuất, đặc biệt tại các khu vực
xảy ra tình trạng sụt lún; Tăng cường công tác điều tra, giám sát chất lượng và
trữ lượng nguồn nước để đảm bảo tài nguyên nước được khai thác bền vững, sử dụng
hợp lý và hiệu quả;…
Tại hội thảo, báo cáo đã nhận
được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu; GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia tham dự hội thảo.
Kết thúc hội thảo, TS. Cao
Viết Sinh, đại diện Tổ chuyên gia tư vấn về quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các chuyên gia tham dự hội
thảo, đặc biệt ý kiến của GS.TS Đào Xuân Học, các chuyên gia trong Tổ tư vấn của
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản
lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời phối hợp chặt chẽ
với Viện Chiến lược phát triển - đơn vị chủ trì tổng hợp báo cáo bám sát khung
định hướng để đưa vào báo cáo những nội dung nổi bật mang tầm cỡ quốc gia./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.