Tham dự hội thảo có TS. Trần
Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng
Vụ Quản lý quy hoạch, Giám đốc Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể
quốc gia và quy hoạch vùng; các chuyên gia thuộc Tổ chuyên gia tư vấn về quy hoạch
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; một số đơn vị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
và các cán bộ của Viện Chiến lược phát triển.
Tại Hội thảo, ông Phạm Nam
Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội
dung "Thực trạng và phương hướng phát
triển mạng lưới cơ sở văn hóa (MLCSVH)”. Trong bài viết, ông Thanh cho biết
tình hình thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2010- 2020, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành một số quyết định phê duyệt quy hoạch có liên quan đến phát triển
MLCSVH quốc gia. Đó là các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;
quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới một số công trình văn hóa; quy hoạch
phát triển văn hóa vùng; quy hoạch phát triển mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập.
Có nhiều quan điểm mới đã được đưa vào chiến lược và quy hoạch phát triển ngành
văn hoá (VH) mà trước đó chưa được thể hiện. Các chiến lược và quy hoạch phát
triển VH đã mang lại những kết quả trong thực tiễn, nhiều cơ sở văn hoá đã được
hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp; phát huy hiệu quả hoạt động trong thực
tiễn.

Ông Phạm
Nam Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đại
diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Hạn chế của quy hoạch thời kỳ
trước: Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong các chiến lược và quy hoạch chưa
đạt được. Việc triển khai đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa quốc gia (cấp
vùng - liên vùng, liên tỉnh) còn chậm. Các quy hoạch thời gian qua còn chồng
chéo, gây khó khăn cho công tác triển khai quy hoạch. Chất lượng một số quy hoạch
chưa cao, thiếu tính khả thi, không bảo đảm nguồn lực để thực hiện.
Về thực trạng sắp xếp không
gian và phát triển MLCSVH quốc gia: Các cơ sở VH quốc gia hiện nay (cơ sở VH
công lập) phân bố chủ yếu ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là thủ đô Hà Nội và Hồ
Chí Minh. Chỉ có một số ít cơ sở phân bố ở tỉnh Thái Nguyên, trung tâm vùng Việt
Bắc (cơ sở bảo tàng chuyên đề, cơ sở đào tạo VH nghệ thuật), và 2 thành phố miền
Trung là thành phố Huế và Đà Nẵng (cơ sở nghiên cứu, đào tạo âm nhạc, phim trường,…).
Ban soạn thảo đã đưa ra mục
tiêu tổng quát phát triển cho thời gian tới như sau: Phát triển MLCSVH quốc gia
đồng bộ, hiện đại, cân đối giữa các vùng miền; có khả năng tạo ra các sản phẩm,
dịch vụ văn hóa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của
nhân dân và tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Xây dựng
các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có tính sáng tạo,
sức cạnh tranh, nhằm tạo thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công
nghiệp văn hóa của đất nước.
Định hướng tầm nhìn đến năm
2050, Việt Nam có hạ tầng cơ sở VH phát triển đồng bộ hiện đại; hình thành các
cơ sở bảo tàng, thư viện, nhà hát nghệ thuật, trung tâm điện ảnh; triển lãm văn
học nghệ thuật, cơ sở hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức
các sự kiện VHNT quốc gia và quốc tế. Hệ thống di sản thế giới, di tích quốc
gia đặc biệt được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững. Mạng lưới cơ sở
nghiên cứu, đào tạo VHNT có sự phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý giữa
các vùng miền trong cả nước. Hệ thống trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
tiếp tục được củng cố và mở rộng. Các ngành công nghiệp văn hóa có bước phát
triển mạnh mẽ, đóng góp đạt mức 7% GDP.
Cũng tại Hội thảo, ông Trần
Hiếu, Viện trưởng Viện khoa học thể dục thể thao, đại diện nhóm nghiên cứu
trình bày nội dung "Thực trạng và phương
hướng phát triển mạng lưới thể dục thể thao”. Ông Trần Hiếu cho biết, trong
giai đoạn 2010- 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định phê duyệt
chiến lược, quy hoạch có liên quan đến phát triển mạng lưới cơ sở thể thao (MLCSTT)
quốc gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, các chiến lược, quy hoạch thời kỳ
trước cũng bộc lộ một số mặt hạn chế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong
các chiến lược và quy hoạch chưa đạt được. Việc triển khai đầu tư xây dựng một
số công trình thể thao quốc gia (cấp vùng – liên vùng, liên tỉnh) còn chậm. Hệ
thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao
và Du lịch trực tiếp quản lý, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã thực
hiện đầu tư nâng cấp, tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu và không đáp ứng được nhu cầu
tập luyện của vận động viên. Các cơ sở đào tạo thể dục, thể thao quốc gia:
ngành thể thao đã đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa các trường đại học thể
dục, thể thao.
Thực trạng phân bố trung tâm
mạng lưới thể thao quốc gia và đào tạo thể dục thể thao: Các Trung tâm huấn luyện
quốc gia, đào tạo và nghiên cứu thể dục thể thao được tập trung xây dựng ở các
thành phố trực thuộc trung ương Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí
Minh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm, trải
đều từ Bắc – Trung- Nam.
Mục tiêu tổng quát phát triển
mạng lưới thể dục thể thao trong thời gian tới: Xây dựng và phát triển nền thể
dục thể thao tiên tiến, hiện đại, khoa học và nhân dân. Phát triển mạng lưới
cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng
đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện thể dục thể thao
mang tầm khu vực và châu lục. Phấn đấu đến năm 2050 hình thành xã hội tập
luyện thể dục, thể thao thường xuyên với đa số người dân tham gia; Việt Nam
trở thành quốc gia có nền thể dục, thể thao phát triển ở châu lục, đứng
trong tốp 10 của châu Á.
Tại hội thảo, báo cáo đã nhận
được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các
chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu khác.
TS. Cao Viết Sinh, đại diện Tổ
chuyên gia tư vấn về quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá,
báo cáo đã nêu được thực trạng mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, tuy nhiên vẫn
mang tính liệt kê, Ban soạn thảo cần có những đánh giá về tình hình thực trạng,
vai trò của văn hoá và thể dục thể thao trong nền kinh tế xã hội tổng thể quốc
gia. Đồng thời cần đưa ra được điểm nghẽn trong mạng lưới văn hoá và thể dục thể
thao; định hướng phân bố không gian cụ thể những lĩnh vực thuộc văn hoá, thể dục
thể thao sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.
Kết thúc hội thảo, TS. Trần
Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện đơn vị chủ trì tổng
hợp báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia cho biết, đầu mối phụ trách hợp phần "Thực
trạng và phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia”
của Viện sẽ phối hợp với Ban soạn thảo để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời đề nghị
Ban soạn thảo cần bám sát khung định hướng để đưa nội dung phù hợp vào báo cáo
và gửi Viện Chiến lược phát triển trước ngày 02/7 để tổng hợp./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.