Tham dự hội thảo có ông Nguyễn
Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ
trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Giám đốc Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch
tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng; các chuyên gia thuộc Tổ chuyên gia tư vấn
về quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Đình Hùng, Phó
Viện trưởng Phụ trách Viện Điều tra, quy hoạch rừng; đại diện các Viện nghiên cứu
các Bộ, ngành là đơn vị tư vấn lập hợp phần của Quy hoạch tổng thể quốc gia;
các cán bộ của Vụ Quản lý quy hoạch và cán bộ Viện Chiến lược phát triển.
Tại Hội thảo, ông Hồ Mạnh Tường,
Chuyên gia về lâm nghiệp, Nguyên Trưởng phòng Phòng Kế hoạch tài chính, Viện Điều
tra, Quy hoạch rừng đại diện nhóm nghiên cứu hợp phần về lâm nghiệp trình bày "Thực
trạng và phương hướng quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, thương mại
và chế biến lâm sản”. Ông Tường cho biết,
giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 tăng bình quân 4,87%/năm,
vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020; trong đó, giai đoạn 2011-2015 tăng 6,0%/năm,
gấp gần 2 lần so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010; Giai đoạn 2016-2020 duy trì
mức tăng trưởng ổn định và đạt mục tiêu Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền
vững giai đoạn 2016-2020.
Giá trị xuất khẩu: Giá trị
xuất khẩu lâm sản năm 2006: 2.171 triệu USD, năm 2010: 3.611 triệu USD, năm
2015: 7.058 triệu USD, năm 2020: 13.228 triệu USD. Giá trị xuất khẩu lâm sản
liên tục tăng trưởng ở mức cao. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên thị
trường hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ
gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng
(DVMTR): Hơn 10 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã đạt những thành tựu rất
đáng ghi nhận, đưa DVMTR là một trong 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành Nông
nghiệp và PTNT trong giai đoạn 2010-2015
và tiếp tục giữ vững là một trong lĩnh vực hàng đầu của ngành lâm nghiệp. Chi
trả DVMTR đã góp phần bảo vệ môi trường thông qua diện tích rừng được quản lý,
bảo vệ bằng nguồn tiền DVMTR.
Ông Hồ Mạnh Tường cho biết mục
tiêu của ngành lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là thiết lập,
quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho
lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế,
tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối
đa các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa
các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển nhanh và bền vững
ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã
hội, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động
và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng
sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm
nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và
giữ vững quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu đề ra,
nhóm nghiên cứu đã đưa ra 07 nhóm giải pháp, cụ thể: Nhóm giải pháp về Cơ chế,
chính sách; Đầu tư, tài chính; Khoa học và công nghệ; Tuyên truyền và nâng cao
nhận thức; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế; Tổ chức thực hiện
và giám sát thực hiện quy hoạch.
Tại hội thảo, báo cáo đã nhận
được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu và các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, TS.
Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đánh giá cao báo cáo và những góp ý hữu ích của các đại biểu tham dự
hội thảo. Tuy nhiên, báo cáo cần đi sâu làm rõ vai trò của lâm nghiệp trong nền
kinh tế quốc dân; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia
và đặc biệt là không gian phát triển và phân bổ không gian phát triển rừng như
thế nào trong thời gian tới. TS. Cao Viết Sinh cũng yêu cầu Viện Chiến lược
phát triển đưa ra những yêu cầu đặt hàng cụ thể hơn và phối với cùng với Ban soạn
thảo để bổ sung nội dung cho phù hợp với báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn
Đình Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Điều tra, quy hoạch rừng chân thành cảm
ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Tổ chuyên gia tư vấn
quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu cũng như các chuyên gia tham dự hội
thảo. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, có những trao đổi với phía Viện Chiến lược
phát triển để chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo gửi Viện Chiến lược phát triển tổng
hợp đưa vào báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia trong thời gian tới./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.