Tại
Hội thảo, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã trình bày tóm tắt báo cáo "đánh
giá Quốc gia có Hệ thống cho Việt Nam. Các ưu tiên về giảm nghèo. Phát triển
công bằng và bền vững”. Nhóm chuyên gia đã đưa ra ba định hướng chính cho Việt
Nam, như sau: (1) tăng trưởng công bằng và tạo việc làm; (2) tiếp cận và cung cấp
dịch vụ công; (3) quản lý môi trường và tài sản, tài nguyên bền vững.
Để
thực hiện hiệu quả ba định hướng trên, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới
đã đưa ra sáu ưu tiên cho Việt Nam: (1) xây dựng hạ tầng đem lại của cải vật chất;
(2) tăng cường các thể chế thị trường nhằm nâng cao năng suất của khu vực tư
nhân trong nước; (3) mở rộng cơ hội tiếp cận cho người dân tộc thiểu số và giải
quyết những bất bình đẳng quan trọng về giới; (4) cung cấp dịch vụ thích ứng với
kỳ vọng mới và dân số đang già đi; (5) nâng cao năng lực đối phó với biến đổi
khí hậu; (6) hiện đại hóa nông nghiệp và sử dụng tài sản tài nguyên.
Báo
cáo cũng nhấn mạnh về vấn đề hiện đại hóa quản trị. Đó là chủ đề xuyên suốt của
báo cáo. Nhóm chuyên gia đã đưa ra một số nhận định gây trở ngại cho tăng trưởng,
công bằng xã hội và bền vững về môi trường tại Việt Nam như: vấn đề về tham
nhũng, mối quan hệ giữa khu vực công và tư nhân bị thương mại hóa,… Hiện nay,
Việt Nam đang nằm trong nhóm thứ 3 của thế giới về kiểm soát tham nhũng và đang
là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Ông
Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đồng tình với ba định
hướng mà nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra. Tuy nhiên, theo ông,
về vấn đề tăng trưởng công bằng thì không chỉ có vấn đề về phát triển hạ tầng
và thể chế mà nó còn là vấn đề đối với thay đổi cơ cấu dân số, nhóm yếu thế,…
Hiện nay, Việt Nam sắp bước vào giai đoạn già hóa dân số, như vậy cần có cả kế
hoạch ngắn hạn và dài hạn cho vấn đề này. Đối với vấn đề phát triển bền vững,
ông Vịnh cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là việc
quản trị và sử dụng tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam đang khai thác và sử dụng
tài nguyên một cách không hợp lý gây tương tác xấu đến môi trường và kém hiệu
quả.
Đặc
biệt, hai trong các yếu kém của Việt Nam đã, đang và tiếp tục phải đối mặt là
làm thế nào để có thể cụ thể hóa được các tư tưởng, cải cách, đổi mới vào văn bản
pháp luật và năng lực của các cơ quan bộ máy nhà nước từ cấp cơ sở.
Báo
cáo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các nhà quản lý đến
từ các Bộ, ngành của Việt Nam như: GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, GS.TS. Võ Đại Lược,
TS. Lê Đăng Doanh, TS. Lưu Bích Hồ, GS.TSKH Trương Quang Học, TS. Lương Văn
Khôi, ThS. Phạm Chi Lan,.v.v.. về các vấn đề tham nhũng, thể chế, giáo dục,… và
giải pháp để đạt được mục tiêu giảm nghèo, phát triển công bằng và bền vững cho
Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc
gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chân thành cảm ơn và ghi nhận những ý kiến
đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam, và hy vọng trong lần
báo cáo sau sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học và quản
lý Việt Nam để báo cáo được hoàn thiện hơn./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.