Đào tạo  
Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của nghiên cứu sinh Trần Thị Vinh Thương
Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2022 | 5:14:02 Chiều
Nghiên cứu sinh Trần Thị Vinh Thương trình bày tóm tắt Luận án trước Hội đồng.
Nghiên cứu sinh Trần Thị Vinh Thương trình bày tóm tắt Luận án trước Hội đồng.
Sáng ngày 14 tháng 7 năm 2022, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Trần Thị Vinh Thương với đề tài "Nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS Ngô Doãn Vịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: GS. TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 1; TS. Trần Nguyễn Hợp Châu, Học viện Ngân hàng, Phản biện 2; PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Phản biện 3; PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Ủy viên Hội đồng; PGS. TS Phan Trần Trung Dũng, Trường Đại học Ngoại thương, Ủy viên Hội đồng; TS. Nguyễn Hữu Khánh, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký.

Tham dự lễ bảo vệ có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ quan đào tạo; TS. Phạm Thanh Bình, Người hướng dẫn khoa học thứ nhất và đông đảo đồng nghiệp, người thân, bạn bè của NCS Trần Thị Vinh Thương.

Với mục đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm tới, tác giả đã hoàn thành nghiên cứu dài 138 trang (không kể phần tài liệu tham khảo và phụ lục) với 04 nội dung chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình khoa học liên quan đến nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Chương 2: Cơ sở lý luận về nâng cao hiệu quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn; Chương 3: Thực trạng hiệu quả quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Luận án đã có một số đóng góp mới về lý luận và thực tiễn: Về lý luận và học thuật: Luận án đã làm rõ hơn một số vấn đề lý luận chủ yếu về hiệu quả quản trị NHTM ( khái niệm hiệu quả quản trị ngân hàng, nâng cao hiệu quả quản trị và 8 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị ngân hàng, xác định 7 chỉ tiêu thuộc nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh, 3 chỉ tiêu thuộc nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của đổi mới quản trị, 1 chỉ tiêu phản ánh mối tương quan giữa hiệu quản trị và hiệu quả kinh doanh của NHTM và 1 chỉ tiêu quốc tế đánh giá thực tiễn hiệu quả quản trị của NHTM ...); trên cơ sở các chỉ tiêu phân tích luận án chỉ ra mối tương quan giữa hiệu quả quản trị và hiệu quả kinh doanh của NHTM trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Về mặt thực tiễn: Luận án cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng định hướng (với những chỉ tiêu định lượng cụ thể) và 4 giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị NHTMCP Ngoại thương Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2030.

Luận án đã đưa ra được 04 giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, cụ thể: (1) Hoàn thiện bộ máy và cơ chế hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; (2) Phát triển nhân lực chất lượng cao của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam; (3) Chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý, điều hành tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam; (4) Mở rộng hợp tác quốc tế của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam.

Theo Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện, luận án đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về quản trị NHTM, hiệu quả và nâng cao hiệu quả quản trị NHTM trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đã phân tích được thực trạng hiệu quả quản trị NHTM của VCB với các tư liệu, số liệu phong phú, có nguồn gốc đáng tin cậy, rõ ràng; và đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi được xây dựng căn cứ từ các vấn đề lý luận và thực trạng các hạn chế yếu kém trong việc nâng cao hiệu quả quản trị NHTM tại VCB gắn liền với bối cảnh hội nhập và một số các kiến nghị để hỗ trợ thực hiện giải pháp.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá luận án được thực hiện nghiêm túc, về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của luận án tiến sĩ về nội dung và hình thức. Luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển. Hội đồng nhất trí đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ của NCS Trần Thị Vinh Thương và cấp bằng tiến sĩ cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ quan đào tạo tặng hoa chúc mừng NCS Trần Thị Vinh Thương.


NCS Trần Thị Vinh Thương chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển


Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn